Lại chuyện nội, ngoại

Tâng bốc cầu thủ

Cứ mỗi lần nói về chuyện phát triển chất lượng cầu thủ Việt Nam, nhiều chuyên gia bóng đá lại quay về cái mệnh đề rất cũ: Giảm ngoại binh ở V-League, tạo cơ hội cho cầu thủ nội. Nói như vậy thì dễ quá.

Ngoại binh đem lại thành tích

Trên thực tế, muốn có thành tích tại V-League thì phải dựa vào ngoại binh. Phong độ hiện tại của 3 ứng viên vô địch Thanh Hóa, Bình Dương, HN T&T dựa trên nguồn cầu thủ ngoại và nhập tịch dồi dào mà các CLB này sở hữu. Thanh Hóa có trận tung đến 5 “ông Tây”, với B.Bình Dương có lúc lên đến… 6 người, còn với HN T&T, họ đang sở hữu “song sát” Samson – Gonzalo.

Ngược lại, sự thất thường về phong độ của HAGL và SHB Đà Nẵng gắn liền với việc họ không còn trong đội hình những ngoại binh có chất lượng và số lượng thì cũng ít hơn trước nhiều. Chỉ cần Gaston Merlo “hắt hơi” là đội bóng của Lê Huỳnh Đức “sốt”ngay lập tức. Tại HAGL, việc Timothy chiếm đến hơn nửa số bàn thắng của đội nhà cho thấy đội bóng phố núi đang lệ thuộc vào cầu thủ đã qua thời đỉnh cao này như thế nào.

Nếu chúng ta nhìn vào thực tế đó, rất dễ quy kết sự thắng thế của ngoại binh đang “bóp chết” các cơ hội của cầu thủ nội. Bởi một khi ngoại binh đem lại hiệu quả cao thì đương nhiên các CLB đâu còn muốn dùng cầu thủ nội tại V-League.

Tiền đạo Văn Quyết (trái) đã phát triển tốt trong môi trường giàu tính cạnh tranh và Tiền đạo Timothy (phải) đang chiếm 1 nửa bàn thắng ghi được ở HAGL. Ảnh: Quang Thắng, Minh Trần

Tiền đạo Văn Quyết (trái) đã phát triển tốt trong môi trường giàu tính cạnh tranh và Tiền đạo Timothy (phải) đang chiếm 1 nửa bàn thắng ghi được ở HAGL. Ảnh: Quang Thắng, Minh Trần

Chuyện của Văn Quyết

Tạm bỏ qua chuyện ngoại binh chỉ phục vụ thành tích cho các CLB chứ không có lợi cho bóng đá Việt Nam, xét ở góc độ cá nhân, nhìn vào trường hợp của Văn Quyết tại HN T&T, sẽ thấy một câu chuyện khác.

3 năm qua, ngoại binh tại HN T&T đều rất chất lượng nhưng Văn Quyết lại trưởng thành rất nhanh chứ không phải thui chột tài năng như cách mà chúng ta hay đổ lỗi cho ngoại binh. Chơi sau lưng các tiền đạo ngoại, Quyết vẫn đều đặn ghi bàn và ngày càng trở thành cầu thủ không thể thay thế dù anh mới 23 tuổi.

Xin nhớ là Văn Quyết đá chính tại CLB từ năm 20 tuổi và ở HN T&T, ngoài ngoại binh, còn có không ít tên tuổi lớn của bóng đá nước nhà, nhưng Văn Quyết đâu có thiệt thòi gì nếu không nói, sự toàn năng trong lối chơi của Quyết hiện nay đã cho thấy anh hưởng lợi từ môi trường giàu tính cạnh tranh ấy.

Và cũng cần lưu ý một chi tiết: Văn Quyết lại chơi không tốt mỗi khi khoác áo U23 và đội tuyển, nơi không có ngoại binh.

Ở thời điểm này, Văn Quyết đang trở thành ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2013. Và nếu đoạt giải, thì điểm tựa thành công cho Quyết chính là CLB chứ không phải đội tuyển.

Và chuyện của U19

Để “nâng cấp” đội tuyển U19, chúng ta phải tốn tiền tổ chức giải quốc tế với các đội rất mạnh và chịu thua những thất bại đậm đà đến 0-7, rồi lại phải tốn kém để đi tập huấn ở châu Âu để được chơi bóng với những cầu thủ cao to và có lối đá thực dụng để rèn luyện bản lĩnh. Trong khi đó, để phát triển cầu thủ trẻ ở trong nước, chúng ta lại cứ than thở về chuyện ngoại binh lấy suất của nội binh dù trên thực tế, họ chẳng lấy cái gì cả.

Các CLB có thành tích tốt thì thường có ngoại binh giỏi, điều đó cho thấy trình độ của ngoại binh tốt hơn cầu thủ Việt nhiều. Vậy thì hà cớ gì cứ đổ lỗi cho họ khi họ cũng phải cạnh tranh để tìm một chỗ đứng. Một đội bóng được cho là “đá hay nhờ ngoại binh” như B.Bình Dương vẫn có một Nguyễn Anh Đức ngày càng toàn diện đấy thôi.

Còn đội bị xem là ngoại binh kém như SLNA thì “ngôi sao” Lê Công Vinh lại chơi ngày càng kém dù anh vừa  thành công tại J-League 2.

Tóm lại, hãy thôi đừng bàn chuyện ngoại binh làm hại cầu thủ trẻ nữa.

Đăng Linh

Tâng bốc cầu thủ

Tại VCK U16 châu Á năm 2000, bóng đá VN nổi lên “thần đồng” Văn Quyến. Thế nhưng, chỉ thời gian sau anh không còn là mình nữa khi phải nhận những lời tung hê của giới truyền thông rồi ảo tưởng bản thân. Cùng đó, những hợp đồng quảng cáo ập đến nên Quyến chẳng còn thời gian chăm chút sự nghiệp, vì bị phân tâm với những vấn đề ngoài xã hội và cuối cùng sa ngã.

Ngày đó, nhiều người từng cảnh báo giới truyền thông không nên vồ vập cầu thủ thái quá, sẽ có tính hai mặt. Do cái được vẫn có, nhưng mặt trái cũng ghê gớm không kém khi cầu thủ chẳng còn giữ chân trên mặt đất. Sự thật, Quyến đã không còn nỗ lực rồi vật vờ như chiếc bóng ở V.Ninh Bình sau “sự cố”.

Về sau này lại xuất hiện Văn Quyết, dù tài năng không thuộc diện thiên bẩm như Văn Quyến nhưng là mẫu người nhờ rèn luyện mà nên. Bây giờ thì Văn Quyết trở thành đầu tàu của HN T&T, là trụ cột của đội tuyển QG và nhiều người mong Quyết không sa ngã như đàn anh trước đó, dù Quyết chưa từng giành Quả bóng vàng giống Quyến.

Quyến đáng ra sẽ còn phát triển thêm nữa nhưng bị truyền thông chú ý quá mức, còn người lớn lại ngó lơ, để mặc. Còn Quyết được sống trong môi trường của HN T&T và tránh sự soi mói nên giờ càng lớn càng thêm chững chạc. Hy vọng Quyết sẽ không sa chân như Quyến ngày nào bởi những chuyện bên ngoài sân cỏ.

ĐINH HỒNG

Hải Anh tỏa sáng trong màu áo Đồng Nai và đang dẫn đầu chân sút nội xuất sắc với 6 bàn thắng. Ảnh: Hoàng Hùng

Hải Anh tỏa sáng trong màu áo Đồng Nai và đang dẫn đầu chân sút nội xuất sắc với 6 bàn thắng. Ảnh: Hoàng Hùng

Tin cùng chuyên mục