
- Cuống quá hóa liều
Nhiều người đã nhận định như vậy về đề xuất bán một số cơ sở vật chất thể thao trong nội đô để lấy tiền thực hiện công tác… đền bù, giải tỏa nhằm thúc đẩy sự hình thành của Khu liên hợp thể thao (KLHTT) Rạch Chiếc.
Theo nguyên Tổng cục trưởng TCTT, cũng là Giám đốc Sở TDTT TPHCM (cũ), ông Lê Bửu, khi hình thành đề án hơn chục năm trước, mọi thứ đều rất khả thi. Thời điểm đó, có hơn 400 ha được quy hoạch và gần như không phải tốn chi phí đền bù, chỉ cần tìm nguồn ngân sách để xây dựng. Sau chừng đó năm, không những tìm không ra tiền, diện tích quy hoạch sau nhiều lần điều chỉnh cũng giảm xuống còn một nửa và lại phải tốn chi phí đền bù do dân cứ lấn chiếm xây dựng. Như vậy có thể thấy ngay, để đến tình trạng không có tiền phải bán đất nội đô là lỗi của những người làm thể thao.

Bài toán hiệu quả của trường đua và Nhà thi đấu Phú Thọ vẫn còn chưa giải quyết xong, nay đến KLHTT Rạch Chiếc. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Đề xuất bán đất trong nội đô chỉ là hệ quả của cái lỗi đã kéo dài cả thập kỷ đó. Lẽ ra, đến thời điểm này, những người làm thể thao cần phải tách bạch giữa thể thao phong trào và thể thao đỉnh cao mới đúng, đằng này lại đánh đồng công năng và định hướng phát triển thể dục thể thao của các cơ sở trong nội đô với một khu liên hợp chuyên dành cho thi đấu.
Lẽ ra, với đà gia tăng dân số, nhu cầu sinh hoạt cần phải cố gắng tăng thêm diện tích dành cho thể thao bằng cách chuyển hoạt động huấn luyện thi đấu đỉnh cao từ nội đô ra ngoài vùng ven và giữ phần đất đó trong nội đô cho hoạt động phong trào. Nói cách khác, việc quy hoạch KLHTT Rạch Chiếc là tạo điều kiện để tăng thêm diện tích thể thao trong nội đô chứ không phải là triệt tiêu hoặc giảm thiểu.
Ấy vậy mà chỉ vì bị “truy cứu” về sự chậm trễ của mình, một số người đã nảy ra “tối kiến” là bỏ cái này để lấy cái kia dù về bản chất của 2 sự việc hoàn toàn khác nhau.
“Sản phẩm” của tư duy lạc hậu
KLHTT Rạch Chiếc là định hướng đúng đắn và cần thiết đối với một thành phố lớn như TPHCM, điều này không phải bàn cãi. Tuy nhiên, thực hiện đề án một KLHTT khác hẳn với quy hoạch diện tích cho hoạt động thể thao nói chung. Cần tách bạch rõ 2 vấn đề này thì mới có hướng để giải quyết những khó khăn của KLHTT Rạch Chiếc.
Đề xuất bán các cơ sở như Hoa Lư, Yết Kiêu… xuất phát từ thực tế là các cơ sở này đang hoạt động kém hiệu quả. Tuy nhiên, đây là là một bài toán mà ngành thể thao cần có phương án giải quyết riêng. Nói cách khác, nếu nó không hiệu quả thì phải làm sao cho nó hiệu quả chứ không phải là dẹp bỏ đi khi trên thực tế ngành thể thao đang “kêu” là thiếu đất.
Trong khi đó, không phải chỉ ở TPHCM và cả Việt Nam nói riêng mà mọi nơi trên thế giới việc xây dựng một KLHTT bao giờ cũng là bài toán hóc búa trong việc sử dụng đạt hiệu quả. Hiểu cho đúng thì việc tìm nguồn ngân sách xây dựng không phải là khó, cái khó là xây xong thì làm gì để tránh lãng phí. Thông thường, người ta sẽ nhân sự kiện thể thao lớn nào đó để bắt đầu xây dựng, song song là lên kế hoạch 5 năm, 10 năm tổ chức liên tục các giải thi đấu để tránh tình trạng “đắp mền, xuống cấp”. Kế đến là nguồn thu từ các sự kiện văn hóa - giải trí để có chi phí duy tu, bảo dưỡng…
Tóm lại, đấy là một bản kế hoạch hết sức chi tiết có định hướng tối thiểu cũng phải 10 năm, bao gồm cả kế hoạch phát triển thể thao đỉnh cao tại chỗ. Có một bản kế hoạch xuyên suốt như vậy cũng chưa đủ để quyết định tiến hành xây dựng một KLHTT nếu chưa thu xếp được nguồn vốn, nói gì việc chỉ cố gắng bán đất lấy tiền để… đền bù giải tỏa.
Ở đây, cần thấy rằng, trách nhiệm của ngành thể thao không phải là hỏi “tiền đâu” mà là phải trả lời cho câu hỏi về tính hiệu quả của từng cơ sở vật chất. Cứ hô hào phát triển thể thao chuyên nghiệp mà chỉ riêng việc kiếm tiền từ thể thao còn không xong thì xây KLHTT để làm gì?!
VIỆT QUANG