
Có lẽ không cần phải nhắc lại sự cần thiết của một khu liên hợp thể thao (KLHTT) tầm cỡ châu lục đối với một đô thị lớn như TPHCM. Tuy nhiên, cần thiết không có nghĩa là muốn hoặc có tiền thì xây dựng thật hoành tráng. Như đã từng đề cập, vấn đề của một KLHTT chưa hẳn nằm ở có tiền hay không.

Ý tưởng quy hoạch của KLHTT được hình thành từ năm 1995, bắt nguồn từ chiến lược đăng cai SEA Games đầu tiên của Việt Nam. Khi đó, công tác quy hoạch khá thuận lợi (do có đất trống, kinh tế phát triển) và cũng có định hướng là TPHCM sẽ đăng cai SEA Games thứ 2 tại Việt Nam mà KLHTT Rạch Chiếc là điểm nhấn.
Ấy vậy mà sau khi đồng tổ chức SEA Games 2003 khá thành công, kế hoạch đăng cai một đại hội thể thao lớn kế tiếp lại giẫm chân tại chỗ. Hơn một năm trước, đề án SEA Games 2017 không chuyển thành kế hoạch chi tiết trong khi đề án đăng cai Asiad 2019 của Việt Nam lại chẳng có TPHCM trong đó. Thế nên có người nói vui, khu Rạch Chiếc có lẽ chờ đến lượt đăng cai Olympic chăng.
Đấy chính là điều đáng nói trong đề xuất “bán đất nội đô lấy tiền xây Rạch Chiếc” vừa qua. Không thấy ai nói đến chuyện lý do gì để phải gấp rút xây dựng khu KLHTT này cả trong khi bất kỳ nơi đâu trên thế giới, lý do quan trọng nhất để ra đời một khu thể thao quy mô thường là sự kiện lớn. Không ai xây xong rồi mới tính đến chuyện xin đăng cai cả.
Bởi trong bất kỳ kế hoạch xây dựng KLHTT nào thì một phần kinh phí sẽ đến từ nguồn thu có được từ tổ chức sự kiện đó. Tỷ trọng thông thường trên lý thuyết là 30-40%. Nguồn thu này đến từ hoạt động thương mại, bản quyền, doanh thu du lịch, mua sắm trong thời gian diễn ra sự kiện.
Dựa trên cơ sở đó, chính quyền sẽ đầu tư trước và trích nguồn thu ngoài thể thao ấy để khấu trừ cho ngân sách. Thậm chí, hiện nay người ta còn phân bổ nguồn “trả nợ” bằng kế hoạch tổ chức các sự kiện lớn kế tiếp trong 5-10 năm sau đó nhằm cân bằng tổng đầu tư bỏ ra.
Nói cách khác, một phần ngân sách xây dựng các KLHTT phải đến trực tiếp từ sự kiện mà nó tổ chức. Kế đến mới là kế hoạch bổ sung nguồn thu khác từ việc giải quyết các cơ sở vật chất có cùng chức năng vốn được dư ra sau khi đã có KLHTT. Cuối cùng là bài toán về việc khai thác các nguồn thu ngoài thể thao từ KLHTT để duy tu, vận hành.
Ngay như Olympic 2012 mới đây, thành phố London (Anh) chỉ xin đăng cai sau kỳ gần nhất đến hơn 50 năm và lên kế hoạch tiết giảm ngân sách xây dựng KLHTT mới tính bằng cách chuyển giao khá nhiều trang thiết bị cho kỳ Olympic 2016. Đấy là chưa nói, chính phủ Anh đã phải tính đến các nguồn thu cũng như dự báo “cú hích kinh tế” cho thời đoạn 5 năm kế tiếp.
Tóm lại, ngay cả khi có tiền cũng không thể vội vàng xây KLHTT Rạch Chiếc khi chưa hề có kế hoạch sử dụng nó trong vòng 10 năm tới. Ngành thể thao TPHCM đã bỏ lỡ không ít cơ hội để KLHTT trọng điểm này hình thành hơn 12 năm qua, nay càng không thể “cuống quá hóa liều”.
Việt Quang