Câu chuyện HAGL nợ lương cầu thủ đã được câu lạc bộ giải quyết xong một cách nhanh chóng sau khi đại diện câu lạc bộ có giải thích trên phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, bấy nhiêu cũng đủ làm “dậy sóng” cộng đồng mạng. Và cứ thế, người ta cóp nhặt thêm những thông tin chưa kiểm chứng để “tô vẽ” thêm câu chuyện của một câu lạc bộ được xem là làm bóng đá bài bản nhất V-League cũng đến lúc rơi vào cảnh khốn khó.
Tuy nhiên, câu chuyện này cũng khiến nhiều người giật mình về sự khắc nghiệt của bóng đá chuyên nghiệp, mà nếu làm không đúng hướng thì cầm chắc thất bại. Có thể nói, Tập đoàn HAGL đi lên một phần nhờ đầu tư vào bóng đá. Không có đội hạng nhất HAGL với những siêu sao Thái Lan trong đội hình của những năm đầu bóng đá Việt Nam chuyển sang bán chuyên nghiệp thì ít ai biết đến một công ty hoạt động trong ngành gỗ ở Gia Lai. Gần chục năm kể từ đó, cái tên HAGL đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà lan sang các nước lân cận. Và trong khi chưa ai dám nghĩ đến thì người xem giải ngoại hạng Anh qua truyền hình đã ngất ngây khi thấy xuất hiện bảng quảng cáo điện tử của HAGL trên các sân ở xứ sương mù. Bóng đá góp phần không nhỏ đưa HAGL trở thành tập đoàn kinh tế mạnh.
Không riêng HAGL mà trường hợp ĐTLA cũng vậy. Từ một đội bóng chơi làng nhàng ở giải hạng nhất, gạch Đồng Tâm đã đầu tư vào Long An và đưa tên tuổi câu lạc bộ cũng như thương hiệu của mình nổi tiếng cả nước. Trong khi HAGL gắn với các cầu thủ Thái Lan thì ĐTLA lại đi liền với tên tuổi “phù thủy” Calisto, vốn là một trong những huấn luyện viên ngoại thành công nhất ở Việt Nam. ĐTLA cũng là một trong những câu lạc bộ ở V-League đi tiên phong trong việc sử dụng cầu thủ nhập tịch. Ở HAGL và ĐTLA trong giai đoạn phát triển mạnh, các cầu thủ có thành tích không phải lo hậu giải nghệ bởi nhiều công việc ở công ty được dọn sẵn chờ họ như là một trong những chế độ đãi ngộ cầu thủ rất hay lúc bấy giờ.
Rồi giai đoạn phồn thịnh ấy cũng qua, V-League giờ đây không còn giúp nhiều trong việc đưa tên tuổi các ông chủ lên cao, mà đôi khi trở thành gánh nặng. Không nói ra, nhưng có vẻ như những câu lạc bộ tên tuổi trước đây giờ duy trì như là một giải pháp cầm cự. Họ không còn muốn đầu tư vào bóng đá nữa khi mọi thứ họ muốn đều đã đạt được; còn các đơn vị chưa tên tuổi muốn đầu tư vào bóng đá để phát triển như giai đoạn trước kia cũng không thể bởi sự “phức tạp” ở V-League và các giải khác có thể khiến đội bóng phá sản như chơi. Chỉ mỗi vấn đề một ông chủ nhiều đội bóng thôi mà cả bộ máy điều hành bóng đá không làm gì được, khiến từ nhà đầu tư đến khán giả không còn tin vào tính trung thực của các trận đấu.
Nợ lương cầu thủ là chuyện đã và đang diễn ra ở không ít câu lạc bộ, nhưng ít ai tin điều đó lại xuất hiện ở HAGL, nhất là câu lạc bộ này vẫn đang được sự tài trợ của một doanh nghiệp mạnh về thực phẩm. Có chăng, đó là dấu hiệu của giai đoạn “bỏ bóng đá” của những người, những doanh nghiệp đã quá thành công nhờ một phần từ bóng đá.
PHƯƠNG NAM