Câu chuyện của cựu vô địch điền kinh SEA Games Nguyễn Thị Nụ đang gây được sự chú ý của nhiều người. Nhưng thành thật mà nói, trong làng thể thao đỉnh cao Việt Nam, chuyện tương tự như thế không hề thiếu. VĐV của chúng ta, nhiều người có hoàn cảnh thật đau lòng lắm…
Trong một nền thể thao chưa được chuyên nghiệp, thu nhập của VĐV không hề cao. Vô địch thế giới như Phạm Văn Mách mà vẫn ở nhà thuê hàng chục năm qua dù đã tích cực bỏ tiền túi làm kinh doanh thêm. Dân thể thao ở Việt Nam, được xếp vào diện “quần đùi, áo số”, nghỉ thi đấu là trắng tay. Nên nhiều khi, để tìm đồng lương sống với công việc thể thao, họ phải chấp nhận làm nhiều việc không xứng đáng với những gì mình đã cống hiến.
Câu chuyện của Nguyễn Thị Nụ thật đau xót nhưng ai làm VĐV thể thao cũng đều như vậy thì hóa ra, cũng là điều bình thường. Một nền thể thao được bao cấp thì lấy đâu ra tiền để chăm lo cho đời sống sau thi đấu. Còn lâu lắm, dân thể thao mới thực sự được sống trên danh tiếng và tài năng của mình.
Nhưng, không vì thế mà không cảm thấy đau lòng trước hình ảnh nhà vô địch SEA Games đi nhổ cỏ.
o0o
Có một câu chuyện khác. Lâu nay, ít ai dám so sánh đời sống của cầu thủ với các bạn đồng nghiệp thuộc môn khác vì khoảng cách rất lớn. Lớn đến mức có thể tạo ra sự bất công về mặt xã hội. Người ta không làm phép so sánh vì bóng đá đang được chuyên nghiệp, được đầu tư bởi một núi tiền khổng lồ. Cầu thủ cũng phải bỏ công sức ra mới nhận được tiền lương. Có khác nhau, họ được nhận rất nhiều lần hơn mà thôi.

Dù nhận được rất nhiều ưu đãi, nhưng Văn Quyến (trái) vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của mọi người. Ảnh: Quang Minh
Nhưng, không phải là không có những điều để so sánh. Nhiều người đã biết, tiền đạo Phạm Văn Quyến của SLNA kể từ sau khi nhận án tù lẫn án kỷ luật hầu như không đóng góp được gì. Nửa cuối mùa 2009, khi mới được trở lại thi đấu, Quyến còn chơi tốt. Nhưng suốt năm 2010 và cả mùa giải năm nay, Quyến không để lại được gì. Hầu như chỉ sống bằng hình ảnh của quá khứ, nhưng Quyến lại được ưu tiên quá mức.
Phía đội SLNA thậm chí còn tuyên bố, Quyến là “vô giá” và ký hợp đồng vĩnh viễn với Quyến. Trong thời gian thụ án lẫn chữa trị chấn thương mới đây, Quyến đều được CLB trả lương. Đổi lại, Quyến ngày càng béo và chắc chắn không bao giờ có thể quay lại với phong độ của ngày xưa.
o0o
Vì sao Quyến được đối xử một cách ưu đãi như vậy? Trả lời được câu hỏi đó thì sẽ hiểu tại sao Quyến ngày càng béo lên, trong khi lẽ ra anh phải giảm cân và nhanh chóng lấy lại phong độ mới đúng. Một cầu thủ ngôi sao nhận lương cao, thưởng lớn vì anh ta đem lại cho CLB của mình nhiều lợi ích. Điều đó, không nên đem ra so sánh với bất kỳ điều gì. Nhưng trong trường hợp của Quyến, anh thì có khác gì Nguyễn Thị Nụ đâu, sao vẫn nhận được sự ưu ái như vậy?
Hỏi là đã trả lời. Quyến từng sa ngã vì chính sự bao bọc quá mức của người lớn. Khi anh sa sút, lẽ ra, đây là thời điểm để Quyến thay đổi. Nhưng những người xung quanh anh lại tiếp tục cách đối xử như cũ, làm sao để Quyến tự cải thiện mình được.
Một cựu vô địch SEA Games phải đi nhổ cỏ để duy trì đời sống thể thao của mình. Một cầu thủ chưa cống hiến được gì nhiều, lại chẳng phải làm gì mà vẫn được sống thoải mái. Cả Quyến lẫn Nụ đều là dân nhà nông, nghèo quá mà đi vào thể thao để đổi đời. Nhưng cuộc sống của họ hoàn toàn khác nhau với một khoảng cách rất dịu vợi. Đấy là vì ai?
Hồ Việt