Khoản đầu tư thông minh

Sau Olympic Rio 2016, vẫn còn những bài học ngoài chuyên môn từ bạn bè thế giới đáng để thể thao Việt Nam chiêm nghiệm và ứng dụng vào hoàn cảnh hiện tại của mình. Nổi bật là sự kiện “siêu kình ngư” Joseph Schooling (Singapore) nhận thưởng lên đến 1 triệu SGD (khoảng 16 tỷ đồng Việt Nam) nhưng đã dồn gần như tất cả để… trả nợ những khoản vay từ ngân hàng.

Lý giải của ông Colin Schooling (ba của Joseph Schooling) khiến tất cả đều ngỡ ngàng, rằng để giúp Joseph Schooling có cơ hội được học tập ở một trường đại học danh tiếng tại Mỹ, tập luyện với HLV bơi lội giỏi và trở thành VĐV đầu tiên của Singapore đoạt HCV ở đấu trường Olympic, gia đình đã không ngần ngại dồn sức vào các khoản vay lớn, mỗi năm lên tới gần 70.000 SGD (hơn 1 tỷ đồng).

Với khoản đầu tư đó, trên góc độ đánh giá của chính những nhà quản lý thể thao Singapore, là rất thông minh, đồng thời thể hiện tính chuyên nghiệp cao đối với một VĐV tài năng như Schooling. Tất nhiên, vẫn có sự trợ lực từ ngành thể thao nước nhà, nhưng về cơ bản, gia đình Schooling mới chính là “mạnh thường quân” lớn nhất, tiếp sức cho anh trên bước đường thể thao chuyên nghiệp. Chưa có bất cứ lời phàn nàn nào từ phía gia đình của Schooling, ngoại trừ sự hy sinh âm thầm và gửi gắm trọn vẹn yêu thương của cha mẹ anh trong đó.

Quả ngọt mà Schooling mang về cho bơi lội nói riêng và thể thao Singapore nói chung là tấm HCV 100m bơi bướm ở Olympic Rio 2016, một thành quả mà Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore phải thừa nhận, đã khiến mọi công dân phải tự hào. Chiến thắng của chàng trai tài năng này đã kéo cả nền thể thao Singapore đi lên, khuyến khích các nguồn lực xã hội tập trung đầu tư cho VĐV theo hướng chuyên nghiệp.

Từ chuyện rất gần ở Singapore, nhắc đến việc đầu tư cho thể thao ở Việt Nam, thấy có nét tương đồng. Dù không phải là toàn bộ, nhưng phần lớn kinh phí chăm chút cho tài năng của kỳ thủ cờ vua Lê Quang Liêm, tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh hay “tay vợt triệu đô” Nguyễn Hoàng Thiên đều được gia đình lo chu đáo. Cả ba VĐV này cũng đã đạt được đến thành công nhất định. Quang Liêm vô địch World Cup, Tiến Minh lọt vào đến tốp 5 tay vợt mạnh nhất thế giới. Chưa đạt đến đỉnh cao thắng giải ở Olympic, nhưng họ cũng đã làm rạng danh thể thao Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu cờ vua được đưa vào chương trình thi đấu ở một kỳ Olympic, khả năng giành huy chương của Quang Liêm không nhỏ. Tiếc rằng, cờ vua suy cho cùng cũng chỉ được xếp vào nhóm môn thể thao trí tuệ, khó vượt qua được thách thức để có mặt tại đấu trường Olympic.

Nhưng tầm mức đầu tư ở Việt Nam chưa cao và chuyện của Quang Liêm, Tiến Minh hay Hoàng Thiên khá hiếm hoi. Chủ yếu, VĐV đỉnh cao ở các môn trọng điểm như bơi lội, điền kinh, thể dục dụng cụ, bắn súng, cầu lông, bóng bàn, taekwondo… phải sống dựa vào “bầu sữa” ngân sách của địa phương và Tổng cục TDTT (khi được triệu tập lên đội tuyển quốc gia hoặc có tên trong chương trình trọng điểm quốc gia).

Ở Việt Nam, chưa có môn thể thao nào tự nuôi được mình theo đúng nghĩa nở rộ phong trào, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư ở đỉnh cao để nâng bước cho VĐV tập luyện cũng như thi đấu một cách chuyên nghiệp. Thành thử, kiểu lãnh tiền thưởng lớn sau thành công để trả nợ “khoản đầu tư thông minh” như trường hợp của VĐV Joseph Schooling là chưa từng xuất hiện.

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục