1. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về thể thao đã được thể hiện rất rõ nét trong việc chọn ông Nguyễn Hữu Thắng làm HLV của đội tuyển bóng đá quốc gia. Lần đầu tiên, Tổng cục TDTT tham gia từ đầu trong quá trình tuyển chọn; mặc dù đây cũng là lần đầu tiên, Tổng cục không phải chi trả một phần tiền lương cho HLV. Đích thân một Phó Tổng cục trưởng đã làm việc với ông Nguyễn Hữu Thắng trước khi ký hợp đồng nhằm thống nhất định hướng xây dựng các đội tuyển. Trước đó, cũng chính Tổng cục TDTT là nơi đề xuất tổ chức cuộc hội thảo quy mô lớn, mang tính chất của một “Hội nghị Diên Hồng” cho bóng đá. Dù sau đó không triển khai hội thảo này, nhưng tác động về mặt dư luận từ động thái nói trên là rất đáng kể.
Tuy nhiên, một khi tiếng nói của Tổng cục TDTT càng có trọng lượng, sự chỉ đạo càng “sâu sát”, thậm chí đi vào chi tiết về vấn đề nhân sự thì cũng đồng nghĩa giá trị hoạt động của các liên đoàn thể thao giảm đi đáng báo động. Không phải tự nhiên mà nguyên tắc hoạt động của các liên đoàn đó là phải độc lập đối với chính quyền do ngại dẫn đến sự cản trở của của thể thao chuyên nghiệp vốn hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Vì lẽ đó, nếu vai trò của Tổng cục TDTT càng lớn, các liên đoàn cần phải xem lại trách nhiệm của mình.
Thực tế cho thấy, các liên đoàn thể thao Việt Nam đang trong cơn khủng hoảng về mặt tổ chức và điều hành. Nhiều môn vốn được xã hội hóa từ rất lâu, đến nay, ngay cả việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ, tìm người đứng đầu vô cùng khó khăn. Các đại hội này chỉ được diễn ra sau khi chính Tổng cục TDTT vận động và giới thiệu nhân sự cao cấp để tiến hành bầu bán chứ không xuất phát từ năng lực tại chỗ của các liên đoàn.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng phát biểu trong một cuộc họp của ngành thể thao. Ảnh: QUANG THẮNG
2. Cũng cần phải thấy rằng Tổng cục TDTT đã có thời gian buông lỏng quản lý, đặc biệt là với những môn chơi có tính đại chúng cao như bóng đá, bóng chuyền, xe đạp… Đơn cử như bộ môn bóng đá, ở Tổng cục hiện nay không có chuyên gia hàng đầu phụ trách lĩnh vực này, mọi công tác chuyên môn liên quan đến các đội tuyển, thành tích thi đấu đều “khoán trắng” cho VFF. Trong việc niềm tin của người hâm mộ bóng đá Việt Nam đi xuống, có phần lỗi của cơ quan quản lý nhà nước bởi nói cho cùng, Tổng cục TDTT vẫn là nơi chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhân dân về hoạt động của ngành. Sự kiện tuyển chọn HLV trưởng đội tuyển quốc gia mới đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm trở lại, người ta mới thấy “bóng dáng” của Tổng cục dù ở nhiệm kỳ trước (khóa 6) đã có hẳn một phó tổng cục trưởng sang VFF làm phó chủ tịch chuyên môn.
Cũng cần phải nói thêm: Thể thao Việt Nam hiện vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp. Các CLB thể thao, kể cả bóng đá, đều chưa tự chủ về tài chính lẫn cơ sở vật chất. Việc triển khai công tác xã hội hóa chưa đồng bộ, vẫn còn nhập nhằng trách nhiệm giữa các địa phương với các doanh nghiệp đầu tư thể thao. Chính vì vậy, Tổng cục TDTT không thể từ bỏ vai trò quản lý và giám sát của mình. Để các liên đoàn thể thao hoạt động thiếu hiệu quả, không phát huy được các nguồn lực xã hội, thậm chí khi không làm được thì lại muốn “trả” trách nhiệm về cho nhà nước, đó cũng là sự thất bại trong công tác quản lý của Tổng cục TDTT, không thể hiện đúng, đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
CHU NGỌC