Khát vọng đỉnh cao của đấu kiếm TPHCM

Gắn với những thành công của đấu kiếm Việt Nam trên đấu trường thế giới là sự đóng góp không nhỏ của các kiếm thủ đến từ đơn vị TPHCM. Luôn đặt ra những mục tiêu cụ thể để phấn đấu, cùng với đó là sự quyết tâm, nỗ lực từ ban huấn luyện và chính các vận động viên (VĐV) là “bí quyết” để bộ môn đấu kiếm TPHCM xây dựng khát vọng đỉnh cao và chinh phục các đấu trường.
VĐV Tiến Nhật đoạt huy chương vàng SEA Games 31. Ảnh: P.NGUYỄN
VĐV Tiến Nhật đoạt huy chương vàng SEA Games 31. Ảnh: P.NGUYỄN

“Cái khó” muôn thuở

Đấu kiếm du nhập vào TPHCM từ năm 2005. Chị Nguyễn Thị Kim Nga (Trưởng bộ môn đấu kiếm TPHCM) là người được giao trách nhiệm phát triển bộ môn, thời điểm đó đã phải trăn trở rất nhiều về việc tìm kiếm VĐV theo nghề ở môn vẫn còn mới lạ với nhiều người này.

Ngoài việc tìm kiếm các nguồn nhân lực từ các địa phương đi đầu trên cả nước về đấu kiếm như Hà Nội, TPHCM, các nhà tuyển trạch “săn lùng” đến các tỉnh, thành lân cận nhưng xác suất để lựa chọn ra một tài năng là rất nhỏ. Từ những mối quan hệ xung quanh, hễ có người quen nào giới thiệu các em nhỏ khoảng 10-11 tuổi, chị Kim Nga sẽ cho các em làm quen và tập luyện thử với kiếm, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn cũng như có niềm đam mê với bộ môn sẽ được tuyển chọn để đào tạo nâng cao. Tuy nhiên, cách làm này dường như cũng không quá hiệu quả, vì các bậc phụ huynh mong muốn con em mình tập trung vào việc học văn hóa hơn là theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Kim Nga chia sẻ: “Quá trình tuyển chọn VĐV là một hành trình rất lâu dài, ban chuyên môn luôn gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn. Hiện nay tại TPHCM, môn đấu kiếm chỉ có duy nhất một địa điểm tập luyện tại Nhà thi đấu Phú Thọ. Do trang thiết bị của đấu kiếm khá đắt đỏ nên các quận, huyện còn e ngại trong việc đầu tư. Hiện nay bộ môn vẫn chưa có phong trào hay đơn vị nào phát triển, từ đó không có nguồn VĐV từ tuyến dưới để bổ sung”.

Đấu kiếm TPHCM hiện có 3 HLV và 24 VĐV thuộc các tuyến đội tuyển, trẻ. Nổi bật phải kể đến những cái tên như Nguyễn Tiến Nhật, Nguyễn Phước Đến, Trương Trần Nhật Minh, Hoàng Nhật Nam, Phạm Minh Dương, Nguyễn Như Thuần Khiết… Thế mạnh của đấu kiếm TPHCM tại các đấu trường là nội dung kiếm 3 cạnh.

“Trong năm 2023, chúng tôi sẽ tập trung vào việc tìm nhân tố mới cho đội tuyển đấu kiếm TPHCM, vì lực lượng VĐV đang rơi vào tình trạng thiếu hụt. Ngoài ra, đội tuyển sẽ phát triển hơn ở nội dung nữ, chuẩn bị lực lượng cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026”, Trưởng bộ môn đấu kiếm TPHCM cho biết.

Vươn lên từ thiếu thốn

Tại đội tuyển đấu kiếm TPHCM, các VĐV sẽ có 2 buổi tập trong ngày theo lịch trình từ 8-10 giờ và từ 14 giờ 30-17 giờ. Tùy theo giáo án huấn luyện trong kế hoạch năm mà lịch trình tập luyện có thể được tăng cường 3 buổi/ngày. Tại Nhà thi đấu Phú Thọ, các tuyển thủ sẽ tập trung vào các bài tập kỹ thuật, chiến thuật thi đấu chuyên môn về đấu kiếm. Ngoài ra, những buổi tập tăng cường thể lực ở sân vận động Thống Nhất sẽ được sắp xếp thêm vào như chạy, các bài bổ trợ phản xạ, nhảy dây, bật cóc… Sau hơn 1 năm tập luyện, các VĐV sẽ được tạo cơ hội ra sân thi đấu để làm quen cảm giác với môi trường tranh tài và áp lực.

Ngay sau thành tích thứ 2 toàn đoàn tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, các kiếm thủ TPHCM đã có cơ hội “xuất ngoại” để nâng cao trình độ chuyên môn. Tham dự giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á 2023; đồng thời được xem là giải tiền SEA Games 32 tổ chức tại Malaysia (từ ngày 3 đến 14-1), đội tuyển TPHCM có sự góp mặt của những kiếm thủ như Nguyễn Tiến Nhật, Nguyễn Phước Đến, Trương Trần Nhật Minh, Hoàng Nhật Nam đã mang về tấm HCV nội dung đồng đội kiếm 3 cạnh nam ở hạng mục thi đấu vô địch. Trước đó, kiếm thủ Phước Đến cũng giành cho mình tấm HCB cá nhân kiếm 3 cạnh.

Ngoài ra, ở hạng mục vô địch trẻ, đấu kiếm TPHCM tiếp tục khẳng định thế mạnh ở nội dung kiếm 3 cạnh với tấm HCV cá nhân của Nguyễn Thành Trung và góp công vào tấm HCV đồng đội nam.

Những người làm công tác huấn luyện vui mừng khi học trò mình đạt được thành tích, nhưng họ vẫn còn những nỗi trăn trở về môi trường cọ xát để nâng cao năng lực. Trong năm, các kiếm thủ sẽ tham gia từ 3-4 giải quốc nội, trong khi việc thi đấu quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế.

Trưởng bộ môn đấu kiếm TPHCM từng bộc bạch, mỗi VĐV đều rất trân trọng cơ hội được dự giải quốc tế nên nỗ lực hết sức trong khi thi đấu. Đã lâu lắm rồi đội không có cảm giác thi đấu tốt nên đôi khi phản xạ hơi chậm khi ra đấu trường quốc tế. Việc tạo điều kiện cọ xát ở nhiều giải quốc tế sẽ giúp năng lực tuyển thủ được nâng cao cũng như tạo động lực trong tập luyện.

Tin cùng chuyên mục