Trận đấu giữa võ sĩ bất khả chiến bại và võ sĩ từng sở hữu 2 đai vô địch của UFC được đánh giá là “địa chấn” không thua gì một trận đấu quyền Anh danh tiếng…
Ân oán trùng trùng
Trận đấu vào ngày mai không chỉ đơn giản là trận tranh đai vô địch hạng nhẹ của UFC, nó không chỉ đơn giản là “một công việc”, “một cơ hội kinh doanh kiếm tiền”, mà đó còn là dịp để cả 2 kết thúc những ân oán cá nhân chất chồng trùng trùng bấy lâu nay. Đây là trận đấu giữa 2 võ sĩ có sự thù hận nhau thật sự ở ngoài đời, thế nên, những đòn đánh có thể còn ác liệt hơn nữa!
Không phải tự nhiên mà “Đại bàng Nga” đã tuyên bố mạnh mẽ, với cái “lừ mắt” sát thủ, ở trong buổi họp báo ồn ào trước trận đấu: “Với bản thân tôi, đây còn hơn là một trận chiến để giành đai vô địch. Với tôi, đây còn là chuyện cá nhân!”. Câu tuyên bố của giống với những câu nói nổi tiếng xuất hiện trong các xuất phẩm điện ảnh lừng danh của Hollywood, như “Bố già”, “Cướp biển vùng Caribbean”, “Cưỡng đoạt”… cho thấy, sự “thù hận” mà Khabib dành cho Conor đã lên đến mức đỉnh điểm, và anh này sẽ sử dụng sàn đài để giải quyết ân oán của mình, như những gì mà anh đã từng đe dọa đối phương.
Sau vụ này, Conor bị cảnh sát New York bắt giữ. Anh phải đóng 50 ngàn USD để được tại ngoại và sau đó, dù chỉ bị tuyên phạt 5 ngày làm hoạt động công ích và tham gia khóa học kềm chế sự giận dữ, anh này vẫn bị kiện bởi Michael Chiesa, một võ sĩ chấn thương nhẹ trong vụ Conor tấn công xe buýt. Trong khi đó, Khabib thách thức Conor bước lên sàn đài như một người đàn ông chân chính vì “Nếu anh ta thích “chơi”, hãy làm điều đó thật chính đáng trên sàn đài”. Những ngôn từ ám chỉ Conor đang tập làm dân anh chị xã hội đen của Nurmagomedov đã khiến Conor nổi giận, và đó cũng là một phần nguồn cơn của trận đấu sẽ diễn ra vào sáng ngày mai.
Về phần mình, Conor cũng chỉ muốn… có được cái đầu của đối phương. “Hắn ta đang ở đâu? Tôi không quan tâm điều gì sẽ xảy ra với cái đầu của hắn ta. Tôi sẽ lấy cái đầu lâu của hắn, và nghiền nát nó. Đó là những gì mà tôi sẽ làm”, Conor khẳng định trong buổi họp báo trước trận đấu. Anh này còn khẳng định thêm: “Sẽ không có hòa bình”.
Thế hệ cũ đụng làn sóng mới
Dù là người Ailen, dù không được nhiều người Mỹ ưa thích vì đã thống trị lồng bát giác nơi giải đấu mà người Mỹ sáng tạo ra – UFC. Nhưng xét cho cùng, Conor vẫn là một thế hệ cũ, đang đối mặt với làn sóng đổ bộ như… những cơn sóng thần của các võ sĩ võ tự do đến từ khu vực Đông Âu, đặc biệt là từ Nga. Lần cuối cùng mà Conor thượng đài, đó là “câu chuyện đầy bụi bám” gần 2 năm trước. Suốt thời gian qua, anh lân la dấn thân vào làng quyền Anh thế giới, vào giới kiếm tiền ở Mỹ, bỏ lơ sàn đài UFC, một đại diện xưa cũ của thế hệ cũ kỹ tự làm cũ môn đấu UFC trước sự xâm lăng của những đấu thủ tiên phong người Nga.
Và Khabib là một ví dụ hoàn hảo cho một cơn tập luyện MMA (võ tổng hợp – võ tự do) điên cuồng đang bao trùm cả nước Nga từng rất lạnh giá. Ở Nga, những phòng tập MMA đang mọc lên nhan nhản. Ở Nga, cả những CĐV cực đoan trong bóng đá cũng tập MMA và sẵn sàng thách thức để “chiến đấu” với hooligan người Anh. Người Nga đã xâm nhập nhiều đấu trường võ tự do khác nhau như Cage Warriors, Bellator… và UFC – đấu trường võ tự do cao nhất thế giới, là nơi họ hằng mơ tưởng. Giờ đây, họ đã có đại diện vô địch của mình, một Nurmagomedov “đại bàng”, “kẻ đánh gấu”, “chiến binh bất bại”.
Và tất nhiên, yếu tố dân tộc không thể bị gạt sang 1 bên. Trong khi Nurmagomedov là niềm tự hào của làng võ tự do nước Nga, Conor luôn mang theo bên bình lá quốc kỳ Ailen rực rỡ. Khi Khabib xuất hiện trong buổi họp báo, anh đã bị đông đảo khán giả - vốn là những người Ailen định cư, la ó, huýt sáo chế giễu, anh đã phải dùng “chiêu” này để chống lại đám đông, khi khắc nhở rằng, chính ông nội của McGregor đã bị những người đồng hương sát hại trong một cuộc chiến trong quá khứ xa xăm…
Dù không thể kiếm được khoản tiền “khủng” như sau khi tham dự “trận chiến kim tiền” với “Độc cô cầu bại” Floyd Mayweather (đâu đó hơn 100 triệu USD), nhưng mức thu vào sau trận đấu lịch sử trong làng MMA của UFC với võ sĩ người Ailen cũng đâu đó ở mức 50 triệu USD. Trước mắt, anh sẽ nhận ngay 3 triệu tiền tươi dành cho nhà vô địch thế giới 2 lần (bất chấp kết quả thắng – bại). Khoản chia từ tiền bản quyền truyền hình pay-per-view cũng khoảng từ 3 triệu – 3,5 triệu USD (chỉ thấp hơn mức 4,4 triệu USD trong trận đấu với Mayweather). Đó là chưa kể những khoản thu khủng khác từ các công ty tài trợ, từ các hãng cược và thu nhập từ tiền vé (giá vé thấp nhất là 250 USD/vé, giá vé cao nhất là 2.505 USD/vé ở sàn đài có sức chứa đến hơn 20 ngàn người).
“Tôi có thể nói rằng, tôi kiếm được gần 50 triệu USD sau trận đấu tối nay. Kiếm được 50 triệu USD từ một trận đấu võ tự do ư? Quả là quá hấp dẫn. Để nghĩ về những gì, nhưng nơi mà chúng tôi từng khởi đầu… Khi tôi đấu với Nate Diaz, anh ấy chỉ nhận được 20 ngàn USD tiền tươi và 20 ngàn nữa nếu giành được chiến thắng. Môn đấu này đã phát triển mạnh mẽ và có trọng lượng hơn chỉ trong vài năm qua. Vì thế, cũng rất nhanh chóng, chúng tôi đu theo thôi mà. Tôi đã 30 tuổi, giờ đây, tôi có thể nói, tôi sẽ trở thành tỷ phú vào khoảng tuổi 35”, Conor tâm sự.