Hội nghị ngành thể thao mổ xẻ thẳng vấn đề trọng tâm thành tích cao

Tất cả giới chuyên môn và nhà quản lý chờ đợi về Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 và khi chương trình được diễn ra, nhiều vấn đề trọng tâm được đưa ra cũng như có các ý kiến đóng góp nhìn thẳng vấn đề.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng làm việc tại Hội nghị và yêu cầu nhà quản lý thể thao nhìn thẳng thắn ở nhiều vấn đề. Ảnh: MINH MINH
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng làm việc tại Hội nghị và yêu cầu nhà quản lý thể thao nhìn thẳng thắn ở nhiều vấn đề. Ảnh: MINH MINH

Vấn đề vẫn là ở câu chuyện quản lý?

Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 do Bộ VH-TT-DL chủ trì và Cục TDTT là đơn vị thực hiện đã diễn ra chiều 21-12 tại Hà Nội. Hội nghị dành cả buổi chiều để đưa ra các vấn đề của thể thao thành tích cao từ đó đánh giá phân tích, tiếp thu các ý kiến đóng góp cũng như nhìn thẳng vào các mục tiêu, nguyên do cần phải có sự thay đổi triệt để với công tác thể thao thành tích cao. Toàn Hội nghị có 11 ý kiến (trong đó có tham luận) đăng ký đóng góp tuy nhiên thực tế chỉ có 5 ý kiến được phát biểu để phù hợp với thời gian của Hội nghị.

Xuyên suốt chương trình làm việc, Hội nghị đã tiếp nhận các vấn đề đóng góp của các nhà cựu quản lý như nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Lâm Quang Thành, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Lê Quý Phượng, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) – ông Nguyễn Hồng Minh cùng Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn điền kinh Việt Nam – ông Phạm Thế Triều. Từng ý kiến vẫn đưa ra các vấn đề mà thể thao thành tích cao vướng mắc đó là thành tích, kết quả thi đấu, sự đầu tư cho VĐV ra sao và khó khăn nguồn lực, khó khăn về con người. Trong đó, các ý kiến của những cựu chuyên gia thể thao như ông Lâm Quang Thành và Nguyễn Hồng Minh vẫn nhấn mạnh điểm cần khắc phục chính là công tác quản lý thể thao phải thay đổi đó là thể thao chúng ta phải đặt mục tiêu cụ thể là giành thành tích ở đấu trường SEA Games, ASIAD hay Olympic. “Ngành thể thao trên hết có những mục tiêu cụ thể và thiếu nguồn lực, sự thi đấu ổn định, chế độ, khoa học kỹ thuật, chuyên gia và sự giám định khoa học cần thiết cho VĐV. Một trong những điểm cần thiết là phải có sự đoàn kết, tập trung để làm công tác quản lý ngành thể thao”, ông Lâm Quang Thành đưa ý kiến.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Minh cũng khẳng định rằng thể thao thành tích cao là việc đầu tư lâu dài và nhà quản lý cần bỏ tư duy nhiệm kỳ, có mục tiêu cụ thể về đầu tư, phải hướng tới một cái chung cũng như người làm quản lý vì cái chung phát triển thể thao nước nhà.

Tập trung làm cụ thể các vấn đề

Rất nhiều ý kiến cho rằng, cấp Bộ cần có thêm nguồn lực kinh phí dành cho thể thao. Phản biện lại ý kiến này, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL chỉ ra rằng với nguồn kinh phí Nhà nước cấp thì trên hết Cục TDTT phải biết sử dụng nguồn lực ấy chính xác, phù hợp và phân bổ nguồn lực đúng, chọn trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hùng cũng nhìn nhận Bộ VH-TT-DL tiếp tục và trách nhiệm trước các ý kiến đóng góp xác đáng. “Chỉ một Hội nghị chắc chắn chưa thể giải quyết ngay các vấn đề của thể thao thành tích cao. Mọi công việc phải có lộ trình, nguồn lực và cách đi phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Bộ trưởng chỉ ra trước đây, năm 2012, thể thao Việt Nam đã có Hội nghị về thể thao thành tích cao nhưng sau 10 năm, từ kết luận của chương trình đó thì ngành thể thao đã rút ra được bài học gì. “Phải có cách nhìn được thiếu sót nhưng cầu thị, khiêm tốn trên tinh thần thể thao thẳng thắn nhìn vào các vấn đề không chỉ khi có thành tích là tất cả hồ hởi còn khi không thành công lại cùng phê phán. Các ý kiến của từng chuyên gia, nhà chuyên môn đưa ra tại Hội nghị lần này đều xác đáng và ngành thể thao có đồng tình về giải pháp đã được góp ý hay không? Tôi thấy, đa số thể hiện nhất trí chung về các nhóm nhiệm vụ đưa ra khi lắng nghe những ý kiến của những người làm việc từ cơ sở tới thực tiễn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Người đứng đầu ngành thể thao, văn hóa, du lịch thẳng thắn yêu cầu Cục TDTT và những người làm thể thao thành tích cao phải xác định rõ mục tiêu của thể thao Việt Nam. Trong đó, chúng ta có mục tiêu rõ ràng với các đấu trường thi đấu và không dàn trải đầu tư.

img-5458-3415.jpg
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt trao đổi về các vấn đề của thể thao thành tích cao Việt Nam. Ảnh: MINH MINH

“Hàng năm, Bộ VH-TT-DL cấp kinh phí theo quy định cũng như mỗi năm Nhà nước bỏ ra hơn 50 tỷ đồng cho công tác sửa chữa cơ sở vật chất, Cục TDTT phải có kế hoạch phân bổ chính xác, đúng nơi cần chứ không dàn trải như lúc này. Chúng ta phải có khát vọng phát triển thể thao. Lúc này, thể thao Việt Nam chưa có phương án tuyển chọn HLV, VĐV cụ thể và phải có chiến lược, quá trình. HLV sau khi được thuê huấn luyện qua một thời gian từ 2-3 năm cần có sự đánh giá để kiểm tra chuyên môn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói thêm.

huy-3388.jpg
Chúng ta vẫn rất chờ đợi VĐV tại các môn Olympic có kết quả thi đấu cao. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL yêu cầu ngành thể thao tập trung chấn chỉnh công tác đào tạo phải có sự kết hợp xuyên suốt từ địa phương tới Trung ương (yếu tố nền tảng); tập trung rà soát cơ sở vật chất về đào tạo chuyên môn đưa ra các giải pháp phân bổ nguồn lực tập trung tập huấn ở các trung tâm (yếu tố cơ sở); chọn môn thể thao trọng điểm để đầu tư vận động viên trọng điểm, tính toán khả năng tranh chấp huy chương trong các đấu trường ASIAD, Olympic (yếu tố đột phá); tham mưu cho nhà quản lý và người làm thể thao phải năng động sáng tạo (yếu tố trọng tâm).

Ngoài các chiến lược phát triển dài hạn của thể thao Việt Nam có trọng tâm phát triển thành tích cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giao Cục TDTT xây dựng sớm kế hoạch sự đầu tư trọng điểm ngắn hạn ngay trước mắt tới năm 2024 để thể thao thành tích cao có sự chuẩn bị cho đấu trường Olympic Paris (Pháp). Lãnh đạo ngành cho biết phải biết xác định mục tiêu để lựa chọn môn, nội dung của SEA Games từ đó tập trung hướng vào ASIAD và Olympic. Việc vận hành, lựa chọn cần phù hợp.

“Ngành thể thao phải thẳng thắn nhìn ra khuyết điểm. Chỉ ra được điểm sâu và những sự phê bình từ các ý kiến là đóng góp quan trọng. Chúng ta không thể thiếu sự đồng tâm mà phải thay đổi để hiệp lực, đoàn kết”, bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo. Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành thể thao rà soát, chấn chỉnh kỷ cương ở các Trung tâm HLTTQG và đảm bảo tốt chế độ của VĐV.

Tin cùng chuyên mục