Nữ Thái Lan đến vòng chung kết World Cup 2015 tại Canada trong mấy ngày qua không phải là góp mặt cho vui. Cái suất đi Canada này vốn rất được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mong muốn và tìm đủ mọi cách để bóng đá Việt Nam có được, nhưng cuối cùng nó về tay Thái Lan một cách xứng đáng hơn.
Thế nên, dù không vượt qua được vòng bảng world cup nhưng nữ Thái Lan đã có một trận thắng với tỷ số 3-2 trước đội tuyển Bờ Biển Ngà. Một trận thắng mà họ bị dẫn bàn trước nhưng sau đó chơi rất hay khiến các cô gái Bờ Biển Ngà phải rượt đuổi tỷ số.
Trong khi đó, sau khi vé đi World Cup vuột khỏi dù trong tay đang có cơ hội “ngàn năm có một”, bóng đá nữ Việt Nam gần như rơi vào lặng lẽ như thân phận vốn có của mình. Cùng xu thế “hướng Nhật”, VFF đã thuê một huấn luyện viên người Nhật thay thế ông Trần Vân Phát vốn đã “hết bài”. Lực lượng cầu thủ được coi là sẽ trẻ hóa mạnh mẽ để chuẩn bị cho một thời kỳ mời. Thế nhưng mọi thứ đang giậm chận tại chỗ khi giải vô địch quốc gia đang thi đấu ở Hà Nam chỉ có vài nhóm khán giả trên sân trong khi truyền thông thì đang dõi theo từng ngày CLB Manchester City đến Việt Nam, nên thông tin về các cô gái đến với người hâm mộ lại càng ít đi.
Cũng trong bối cảnh này, bóng đá Thái Lan đang nghĩ đến World Cup nam. Sau khi lại lấy ngôi vô địch SEA Games lứa U.23, họ vừa công bố sẽ tập trung nguồn lực để đội tuyển trở thành một trong 4 đội đứng đầu khu vực châu Á ở Asian Cup 2019. Đây là bước đệm để bóng đá Thái Lan vươn xa hơn. Mới đây, Thái Lan đã thông qua kế hoạch đầu tư 700 triệu baht để đưa bóng đá nam có mặt ở World Cup 2026.
Nhìn lại khoảng chục năm gần đây mới thấy họ nói là làm, và làm một cách hiệu quả. Và đây là giai đoạn để họ tăng tốc chạm tới những mục tiêu cao hơn, khi mà SEA Games hay AFF Cup chỉ còn là nơi để họ rèn quân là chính.
Câu chuyện nói là làm có vẻ khác xa với kiểu làm bóng đá Việt Nam. Thai-League xuất phát sau V-League, cũng không tuyên bố là giải đấu chuyên nghiệp tốt nhất Đông Nam Á, nhưng lại được tổ chức theo kiểu nhà nghề như giải ngoại hạng Anh. Các câu lạc bộ dự Thai-League phải đảm bảo những điều kiện khắt khe về sân bóng, hệ thống đào tạo trẻ, trang thiết bị tập luyện…
Không ngạc nhiên khi các sân bóng của các câu lạc bộ thường nhỏ (phù hợp với lượng khán giả vừa phải) nhưng mặt sân phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Từ Thai-League mà bóng đá Thái Lan luôn không thiếu các lứa cầu thủ giỏi cho các tuyến trẻ và đội tuyển quốc gia…
Khi Thái Lan đang trên lộ trình đến World Cup thì bóng đá Việt Nam vẫn miệt mài cho mục tiêu SEA Games cố hoài mà không tới. Khi làm bóng đá chuyên nghiệp, họ chỉ cần học hỏi một nơi là bóng đá Anh và về áp dụng thành công, trong khi VFF thì mỗi giai đoạn học một nơi, rốt cuộc cũng không áp dụng được tinh hoa gì từ các nền bóng đá tiên tiến.
Khi đặt đến vấn đề này thì quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. VFF hiện đang có quá nhiều người nhưng được đặt không đúng chỗ nên khó mà đưa bóng đá Việt Nam phát triển được.
PHƯƠNG NAM