Học đi & đi học

1. “Học đi!”, đó là điều mà cứ hễ nói đến chuyện làm sao phát triển bóng đá Việt Nam, người ta lại hô hào như vậy. Đương nhiên là một nền bóng đá kém phát triển, làm gì thì làm phải luôn luôn học người khác. Sau khi nhiệm kỳ 7 xác định sẽ “học người Nhật Bản”, sự phấn chấn của làng cầu lên thấy rõ. Tưởng học ai chứ học Nhật Bản thì miễn bàn, có quá nhiều thứ phải học.

Mới nhất là chuyến “tham quan, tìm hiểu” mô hình J-League của mấy chục con người đại diện cho các CLB. Quy mô thì lớn nhưng nghe đâu, phần lớn sang đó chỉ để đi du lịch. Nhiều người đi theo đoàn nhưng lại luôn đến trễ các cuộc họp khiến phía bạn không hài lòng.
Chuyện này không có gì mới. Những chuyến đi tương tự cũng đã từng diễn ra và kết quả thì như nhau. Tham quan, có. Nghiên cứu, có. Hiệu quả, không.

Ông Phạm Ngọc Viễn (thứ 2 từ trái) và ông Tanaka cùng các học viên trong chuyến đi học Nhật Bản vừa qua. Ảnh: T.L.

2. Học thì lúc nào cũng tốt nhưng đi học ra sao, lại là chuyện khác. Không phải cứ tới trường thì học sinh đều tốt như nhau.

Cũng đừng vội trách một số người đã đi học trong chuyến vừa rồi thiếu tinh thần học hỏi. Hãy đặt mình vào vị trí của họ: Học cái gì mà chỉ trong vòng vài ngày rồi về? Học cái gì khi mà giữa bóng đá Nhật Bản và Việt Nam có một khoảng cách quá xa, có học cho hết cũng chẳng thể áp dụng? Và học để làm gì khi đa số thành viên trong đoàn đều không có đủ khả năng áp dụng điều đó với CLB của mình khi chuyện phát triển CLB hoàn toàn thuộc về người khác, phụ thuộc hàng chục yếu tố “đặc thù Việt Nam”.

Có nghe nói là đại diện CLB Hà Nội T&T từ chối tham gia đoàn “đi học” này. Họ có lý. Thực tế tại Việt Nam cho thấy cách tổ chức, vận hành cũng như thành tích của HN T&T ổn định và vượt trội so với đa số các CLB V-League. Họ học thêm để làm gì? Nếu có thêm điều mới mẻ, liệu có thể áp dụng tại Việt Nam hay không? Các CLB khác không học HN T&T thì thôi, học chi đến Nhật Bản để rồi… để đó?

3. Tóm lại, học là tốt nhưng học cái gì thì cần xác định cho rõ. Lẽ ra, chính những nhà quản lý bóng đá Việt Nam mới là người đi học, học thật kỹ, học cho ra học rồi đúc kết thành một giáo trình chuyên biệt, phù hợp với tình hình thực tế của bóng đá Việt Nam và áp dụng cho các CLB. Không thể đẩy trách nhiệm đi học cho các CLB khi cái môi trường và năng lực quản lý của VFF, VPF không tương xứng với bóng đá Nhật Bản.

Chả có ai ở tỉnh lẻ lên thành phố để tìm mô hình cho ngôi nhà mình sắp xây. Thấy nhà đẹp, nhờ kiến trúc sư giỏi chỉ bảo và vẽ thiết kế nhưng khi về quê, chẳng có các ông thợ xây đủ trình độ đáp ứng thì cũng như không.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục