Tuyển Việt Nam trước trận giao hữu gặp Hồng Công (TQ)
Triết lý bóng đá mà HLV Miura đang cố gắng truyền thụ cho học trò ở tuyển Việt Nam là sự đơn giản. Ông thầy người Nhật và học trò đã có trải nghiệm từ trận đấu nội bộ với Olympic Việt Nam, nhưng…

Tiền vệ Thành Lương (phải) đi bóng vượt qua hàng thủ Olympic Việt Nam. Ảnh: Minh Hoàng
Cắt bớt “râu ria”
Có nhiều học trò của ông Miura đã bị bất ngờ khi ông thầy người Nhật buộc họ phải nuốt một giáo án nặng ngay khi vừa bắt nhịp. Thêm vào đó, tuyển Việt Nam lẫn Olympic Việt Nam đều được yêu cầu tập, di chuyển và chuyền bóng tối đa 3 chạm. Quá yêu cầu trên, ông Miura lập tức cắt còi và… mắng xối xả. Ông Miura lý giải đơn giản, đấy là cách mà bóng đá thế giới đang thực hiện nên các học trò của ông cũng phải bắt nhịp.
Việc cắt bớt “râu ria” trong lối chơi được thể hiện rõ ở trận đấu tập với Olympic Việt Nam. Đội hình 1 của tuyển Việt Nam không tài nào khoan thủng được hàng thủ đàn em, thậm chí còn bị phản đòn, dẫn trước 1 bàn. Nhưng khi đội hình 2, với những cầu thủ già giơ, có thâm niên ăn cơm tuyển nhiều hơn, cỗ máy tuyển Việt Nam lập tức vào guồng và 3 lần chọc thủng lưới Olympic Việt Nam. Ông Miura nhìn nhận 3 bàn thắng ấy đến nhờ việc học trò của ông đá đơn giản, bớt rườm rà. Nó khác với sự bế tắc trong hiệp đấu đầu tiên, vì đội bóng đàn anh chơi khá phức tạp, do thiếu một người cầm trịch đủ tầm cỡ để điều phối ở khu trung tuyến.
Đơn giản, đơn giản và… đơn giản. Ông Miura yêu cầu học trò như thế và khen lấy khen để những cậu học trò biết tiếp thu sự đơn giản. Hậu vệ cánh Trần Đình Hoàng chẳng hạn, ông Miura công khai khen hậu vệ người xứ Nghệ này, bởi anh biết gọt đi những vấn đề phức tạp trong lối chơi. Việc tôn trọng lối chơi đơn giản, ít rườm rà của ông Miura thể hiện bằng sự yêu thích của ông với Vũ Minh Tuấn. Tiền vệ này không phải là người chơi bay bướm, thích mắt, nhưng rất hiện đại và hiệu quả.
Thử kêu, đốt kêu?
Trong cái đích ngắn của tuyển Việt Nam ở đợt tập trung này, ông Miura chắc chắn chờ đợi triết lý bóng đá của mình thể hiện sự hiệu quả khi tuyển Việt Nam so giày với Hồng Công. Vì vậy, trận đấu tập với Olympic Việt Nam vừa qua được xem là màn “thử kêu”, còn đốt kêu hay không trước Hồng Công, nó phải chờ thực tế trả lời.
Có một điều khá lạ đang xảy ra ở tuyển Việt Nam: ông Miura tỏ ra không mặn mà lắm với Trọng Hoàng. Nó hoàn toàn trái ngược với những người tiền nhiệm, bởi tiền vệ của B.Bình Dương là mẫu cầu thủ xuyên phá, bùng nổ. Tuy nhiên, ít nhiều thì dưới thời Miura, vai trò của Trọng Hoàng lại không được đề cao. Bằng chứng là việc tiền vệ gốc xứ Nghệ này từng phải ngồi dự bị khi tuyển Việt Nam đấu giao hữu với Myanmar, và cũng không chứng tỏ được quá nhiều khi tuyển Việt Nam đá tập cùng Olympic Việt Nam.
Nói tóm lại, có thể ông Miura sẽ gạt Trọng Hoàng ra khỏi đội hình chính trong cuộc đối đầu với Hồng Công. Điều này giống như một sự chứng minh cho triết lý bóng đá ông Miura đeo đuổi. Bởi lối chơi của Trọng Hoàng, có thể bùng nổ, khoan phá, nhưng nhiều lúc lại phung phí vì những tình huống quá phức tạp. Đương nhiên, nếu đã theo đuổi triết lý của mình, ông Miura phải chứng tỏ tính hiệu quả của triết lý vào một trận cầu thực thụ. Trận đá với Hồng Công chỉ là một bài test cho AFF Cup, nhưng nó lại kiểm nghiệm cho những gì ông Miura đã làm và cần có đáp số đẹp để xác thực.
Thanh Chi