Hoàng Danh Ngọc & trái đắng cuộc đời

Không đá vẫn có lương
Hoàng Danh Ngọc & trái đắng cuộc đời

16 tuổi đã cùng U17 Việt Nam vô địch Đông Nam Á. 17 tuổi được lên đội 1 Nam Định. Đã có lúc người ta gọi Hoàng Danh Ngọc là “thần đồng” thành Nam. “Thần đồng” ấy giờ đang ở đâu? Trong khi người em trai đang cùng Nam Định quần thảo ở hạng Nhất, trong khi HLV Nguyễn Văn Sỹ đang rất cần một ngòi nổ lợi hại cho V.Ninh Bình, thì ở một góc cố đô Hoa Lư, Danh Ngọc một mình vật lộn với trái banh để duy trì thể lực và cảm giác chơi bóng cho 18 tháng ròng rã phía trước… 

Danh Ngọc từng được ví như “thần đồng” ở Nam Định… Ảnh: V.S.I

Danh Ngọc từng được ví như “thần đồng” ở Nam Định… Ảnh: V.S.I

Bi kịch tuổi 21

Còn nhớ giai đoạn 2 V-League 2007, Danh Ngọc được chơi ở đội 1. Cũng có những pha đi bóng lắt léo rồi bất ngờ dứt điểm, nhưng những pha bóng ấy rất hiếm hoi so với khi Ngọc đá ở đội trẻ. Bất kể sự thật ấy, Ngọc vẫn được ca tụng. Ở Nam Định, các HLV nói rằng Ngọc rồi sẽ tiến bộ không ngừng. Ở VFF, Phó phòng đội tuyển Nguyễn Trọng Giáp điền tên Ngọc vào danh sách sơ bộ dự SEA Games.

Được (hay bị) xem là “thần đồng” hóa ra lại là con dao 2 lưỡi với Danh Ngọc. 17 tuổi đá V-League, tưởng như đó là nấc thang cho sự phát triển của một “thần đồng”, nhưng thực tế, Ngọc đã bị “ép” chín sớm. Ở đội trẻ, Ngọc được quyền chơi theo cách của mình. Cầm bóng, thích thì chuyền, thích thì sút, thích thì đột phá mà không phải nhận lời trách móc nào từ đồng đội hay từ cabin huấn luyện.

Nhưng ở đội 1, Ngọc không còn thoải mái. Mỗi khi có bóng, thay vì xử lý theo bản năng, Ngọc phải chuyền, phải chạy chỗ. Sự thay đổi đột ngột ấy có tác hại ghê gớm với tài năng của Ngọc bởi anh không điều chỉnh được lối đá sao cho phù hợp với đội lớn. Phong độ đi xuống, giải U21 năm 2007 có thời điểm Ngọc phải ngồi dự bị - điều hiếm hoi với cầu thủ đã chơi ở đội 1. SEA Games 2007, rốt cuộc Ngọc cũng không có tên.

…Nhưng giờ đây đang nếm trái đắng mà đội bóng cũ của anh “tặng” cho. Ảnh: Dũng Phương

…Nhưng giờ đây đang nếm trái đắng mà đội bóng cũ của anh “tặng” cho. Ảnh: Dũng Phương

Bất chấp thực tế ấy, ở Nam Định, Danh Ngọc vẫn được xem là “biểu tượng” sau thời Văn Sỹ, Quang Huy, Xuân Phú… Không ít CĐV thành Nam nói rằng, ngay cả khi đội bóng thi đấu kém cỏi, chỉ cần sân Thiên Trường xem “thằng Ngọc” đi vài đường bóng cũng đủ mãn nguyện…

Ngọc là cầu thủ có tài, lại còn trẻ. Với mẫu cầu thủ như thế, họ cần được đá cho một đội bóng có khát vọng, một đội bóng có thể trả cho anh vài tỷ đồng tiền lót tay, vài chục triệu tiền lương mỗi tháng. Nam Định không phải môi trường ấy. Cái mỹ danh “biểu tượng” không giúp Ngọc no cái “dạ dày”, vì thế anh quyết định ra đi.

Quá nổi tiếng và được tôn sùng ở đội bóng thành Nam, có lẽ vì thế, Ngọc cho rằng, cuộc ra đi của anh sẽ êm ả, vì những “bác, chú” ở đội bóng sẽ không làm khó sau khi nhận được tiền đền bù. Nhưng Nam Định có khuôn khổ riêng. Cỡ như “tượng đài” Văn Sỹ còn bị đì, bị đuổi việc không thương tiếc thì Ngọc đương nhiên phải trả giá. Cái giá ấy là lá đơn đòi VFF làm tới nơi tới chốn.

Lá đơn ấy khiến Ngọc ngã ngửa bởi theo tính toán của anh và V.Ninh Bình, hành động xé hợp đồng chỉ chịu chừng 6 tháng treo giò. Trên thực tế, lá đơn của Nam Định đã có tác động lớn tới quyết định treo giò 18 tháng với Danh Ngọc mà VFF đưa ra.

Ngọc bảo rằng, đó là bi kịch thứ hai của anh. Bi kịch thứ nhất là án treo giò 6 trận vì hành vi “ngón tay thối” trong trận gặp Thể Công ở V-League 2009. Bi kịch thứ nhất đến từ phút bồng bột, hiếu thắng của tuổi trẻ. Bi kịch thứ hai có chút cả tin. Tin vào thứ tình cảm của Nam Định và cả chút tự tin thái quá…

Thử thách cuộc đời

Ngọc sẽ không được thi đấu suốt 1 năm rưỡi, bởi VFF đã y án treo giò với anh. Ngọc nói rằng, đây là thử thách của cuộc đời! Quỹ thời gian ấy, nếu không có sự kiên trì, nó có thể lấy hết đi của Ngọc cảm hứng chơi bóng, mất đi thể lực, phong độ và mất đi cái giấc mơ khoác áo đội tuyển Việt Nam đã ấp ủ từ khi còn là một cậu bé… Đó là những mối họa có thể đến ở thì tương lai. Còn bây giờ, “thần đồng” bóng đá thành Nam đang ở đâu, làm gì?

Trong khi người em song sinh Nhật Nam đang cày ải cùng Nam Định ở hạng Nhất, trong khi HLV Văn Sỹ nóng lòng muốn đàn em trở thành ngòi nổ cho V.Ninh Bình thì ở một góc sân, Danh Ngọc vẫn miệt mài với quả bóng, với những bài tập thể lực. Ngọc nói rằng, anh tập thậm chí cường độ còn nặng hơn những người đang thi đấu. Đó là cách mà cầu thủ gốc Thái Bình “hành xác” trong những ngày treo giò. Ngọc bảo không đá, lại lười tập dễ ỳ lắm. Phải chấp nhận, đối mặt với thử thách để mà vượt qua bi kịch cuộc đời.

Đổ mồ hôi, nhưng mỗi cuối tuần, chỗ của Ngọc là khán đài hoặc màn hình tivi khi V.Ninh Bình đi làm khách. 21 tuổi, cái tuổi tràn đầy sức lực và khát khao cống hiến thì đó là một cực hình. Ngọc sẽ phải chịu cực hình đó trong 1 năm rưỡi. Liệu trong quãng thời gian đằng đẵng ấy, Ngọc có  luôn “hành xác” để giữ phong độ?

“Bố mẹ, bạn bè là chỗ dựa, động viên tôi rất nhiều. V.Ninh Bình đã rất nhiệt tình để có tôi. Vì thế, tôi không được phép đầu hàng. Tôi sẽ tập như khi thi đấu và hy vọng một ngày nào đó, mình sẽ được giảm án…”, Ngọc tâm sự.

Không đá vẫn có lương

Trước khi “xé” hợp đồng với Nam Định, Danh Ngọc đã đặt bút ký hợp đồng với V.Ninh Bình. Theo đó, Ngọc sẽ thuộc về V.Ninh Bình 3 năm. Ngoài 2,4 tỷ đồng đền bù cho Nam Định, V.Ninh Bình phải chi thêm con số tương đương cho Danh Ngọc. Mức lương mà Ngọc nhận được ở miền đất mới là 35 triệu đồng mỗi tháng. Hợp đồng đã ráo mực từ lâu, vì thế, ngay cả khi bị treo giò, Danh Ngọc vẫn nhận lương đều hàng tháng. Tuy nhiên, anh không có tên trong danh sách thưởng mỗi khi V.Ninh Bình thắng trận.

Tường Khôi

Tin cùng chuyên mục