GS-TS Dương Nghiệp Chí: Cả đời mơ cải thiện tầm vóc người Việt

Lúc sinh thời, dù ở bất cứ cương vị quản lý nào, từ vai trò Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT TPHCM, đến lúc làm Viện trưởng Viện Khoa học TDTT Quốc gia, GS-TS Dương Nghiệp Chí vẫn dồn hết tâm sức cho Đề án “Nâng cao thể lực và tầm vóc con người Việt Nam từ 2011 đến 2030”, hay còn gọi là Đề án 641. Nay, người cha đẻ của đề án ấy đã về cõi thiên thai, nhưng chắc chắn giấc mơ mà ông một đời theo đuổi sẽ không dở dang, vì nhiều thế hệ sau đang và sẽ duy trì mạch khát vọng ấy…

Cha đẻ của những đề án lớn

Mê ngành địa chất, nhưng ông Dương Nghiệp Chí lại bộc lộ tố chất thể thao từ thời đi học, đá bóng giỏi mà chạy điền kinh cũng nhanh. Để rồi suốt cuộc đời, ông gắn bó với ngành TDTT. Và giống như định mệnh, chỉ một thời gian không dài sau khi tu nghiệp tại Đại học TDTT Bắc Kinh và trở về nước tham gia công tác huấn luyện điền kinh, ông Dương Nghiệp Chí chuyển hướng sang công tác nghiên cứu khoa học, luôn trăn trở làm cách nào giúp thể thao nước nhà phát triển dựa trên nền tảng của tư duy khoa học TDTT thực sự.

Đến đầu những năm 2000, GS-TS Dương Nghiệp Chí đã hé lộ ý tưởng và chấp bút soạn thảo Đề án Nâng cao thể lực và tầm vóc con người Việt Nam, với mục tiêu lớn nhất chính là giúp người Việt Nam khỏe và thông minh lên, tăng cường chất lượng cuộc sống, giúp thế hệ trẻ có những sân chơi giải trí, để họ không bị ảnh hưởng từ những tiêu cực của xã hội.

Nâng chiều cao người Việt Nam lên 2,5-3,5cm trong giai đoạn 2011-2030 là nội dung được GS-TS Dương Nghiệp Chí nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần tại các hội thảo, hội nghị và trao đổi kinh nghiệm về công tác phát triển ngành TDTT. Nội dung quan trọng được chính ông rút tỉa kinh nghiệm từ các chiến lược đột phá mà Nhật Bản và Hàn Quốc từng thực hiện trong 20 năm và thực tế người dân của họ đã cải thiện đáng kể về chiều cao cũng như nền tảng thể lực.

GS-TS Dương Nghiệp Chí: Cả đời mơ cải thiện tầm vóc người Việt ảnh 1 GS-TS Dương Nghiệp Chí đã dành cả sự nghiệp cho việc nghiên cứu và phát triển ngành TDTT nước nhà. Ảnh: PHƯƠNG MINH

“Để ra đời, Đề án 641 đã vấp phải nhiều khó khăn, nhất là về nhận thức. Việt Nam cũng chưa phải là nước công nghiệp nên ta chưa thấy được tầm quan trọng của nguồn nhân lực. Phải có một chính sách mạnh và một phong trào rộng lớn thì mới phát triển được ngành thể thao. Nhận thức của chúng ta về vấn đề này vẫn còn khá yếu. Cho nên, chúng ta buộc phải giúp người Việt Nam hiểu được cần tăng sức khỏe, tăng chiều cao thân thể, tức là sẽ tăng trí lực, tăng thể chất”, GS-TS Dương Nghiệp Chí từng thổ lộ.

Khó thì làm trong thầm lặng, GS-TS Dương Nghiệp Chí cùng đồng sự đã nắn nót chỉnh sửa Đề án, gửi gắm “đứa con tinh thần” của mình đến gần hơn với các đồng chí lãnh đạo nước nhà, để rồi vỡ òa hạnh phúc khi Đề án được Chính phủ phê duyệt vào ngày 28-4-2011. Hơn 10 năm đau đáu chờ đợi, bước khó nhất rốt cuộc cũng đã vượt qua, thì hành trình tiếp theo đưa Đề án hòa mình vào cuộc sống dẫu có gian truân cũng phải làm đến cùng, và bằng tất cả tâm huyết. Ông cũng chính là một trong những nhà khoa học đầu ngành của thể thao gửi gắm nhiều tâm huyết vào “Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam từ năm 2011 đến 2030”.

Chưa dừng lại ở đó, GS-TS Dương Nghiệp Chí còn là người đi tiên phong, đặt nền móng vững chắc cho Thể thao điện tử (eSports) hình thành và gặt hái thành công trên trường quốc tế. VIRESA (Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam) được thành lập từ năm 2009 cũng chính là tâm huyết của vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký đầu tiên này, với mong muốn đưa thể thao điện tử và giải trí của đất nước vươn ra khu vực và thế giới.

Khát vọng sẽ do thế hệ sau tiếp nối…

GS-TS Lâm Quang Thành (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT), người từng đảm nhận vai trò Giám đốc Điều phối Đề án 641 đầu tiên sau khi Chính phủ phê duyệt, nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ở nước ta có một Đề án tổng thể về phát triển thể lực, tầm vóc, góp phần cải tạo giống nòi. Đề án này rất mới, phải có sự vào cuộc của cả xã hội và nhiều lĩnh vực liên quan khác. Trong khi đó, nhận thức, thói quen về rèn luyện thân thể, chế độ dinh dưỡng, điều kiện môi trường… của người dân rất hạn chế. Đa số gia đình còn “thả nổi” việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em từ 6 tuổi đến hết tuổi dậy thì, bỏ lỡ thời kỳ thuận lợi phát triển về thể lực và tầm vóc con người”.

Ở Việt Nam, đo lường TDTT có từ năm 1991 nhưng ứng dụng công nghệ thông tin vào đo lường thành tích thi đấu và thông tin nhanh thành tích này trên internet chỉ bắt đầu từ năm 2003, chính thức là tại SEA Games 22 do Việt Nam đăng cai và GS-TS Dương Nghiệp Chí là “tổng đạo diễn” hệ thống xử lý dữ liệu thông tin và đã đạt hiệu quả ngoài mong đợi.

Vì vậy, kế tục sự nghiệp của GS-TS Dương Nghiệp Chí, ông Lâm Quang Thành và giới chức thể thao Việt Nam đã chung sức chăm chút cho Đề án, nỗ lực giúp người dân thay đổi quan niệm về chế độ dinh dưỡng, cách thức rèn luyện thể chất. Mối liên hệ mật thiết giữa 4 bộ (VH-TT-DL, Y tế, Tài chính và GD-ĐT) chính là cơ sở để Đề án 641 được triển khai trên toàn quốc, đến với từng trường học, gia đình, khích lệ cả đất nước cùng hướng đến mục tiêu cải thiện thể lực và tầm vóc vì tương lai tốt đẹp hơn.

“GS-TS Dương Nghiệp Chí là hình mẫu của khát vọng và tư duy tiên tiến mà người trong giới thể thao chúng tôi luôn trân trọng và học hỏi trong công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển thể thao nước nhà lên tầm cao mới”, ông Lâm Quang Thành bày tỏ.

Chính em ruột của GS-TS Dương Nghiệp Chí, ông Dương Nghiệp Khôi (nguyên Phó Tổng Thư ký VFF, Trưởng ban Tổ chức V-League), rất thông tường bóng đá nên hiểu rõ trăn trở và khát vọng của anh trai mình về chiến lược nâng cao tầm vóc cho người Việt. Ông Dương Nghiệp Khôi, rồi sau này là con trai cả Dương Vi Khoa (cháu ruột GS-TS Dương Nghiệp Chí) đã khơi dậy phong trào thể thao điện tử và giải trí trong giới sinh viên, tri thức trẻ, suy cho cùng cũng để giữ tình yêu thể thao của gia đình họ Dương cháy mãi, sáng mãi…

Đề án 641 thực ra có 4 chương trình chủ yếu. Chương trình 1 nghiên cứu cơ bản những yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao thân thể và sức khỏe người Việt Nam. Chương trình 2 nghiên cứu dinh dưỡng và phổ biến dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em 2-18 tuổi có một hiểu biết tốt. Chương trình 3 nhằm phát triển thể chất, thể thao trong trường học 3-18 tuổi. Chương trình 4 là truyền thông cải thiện nhận thức, hành vi của người dân, nhất là thế hệ trẻ, phải có ý thức về sức khỏe thân thể.

Mục tiêu cải thiện tầm vóc cho thanh niên Việt Nam với nhịp độ tăng trưởng ổn định theo các tiêu chí: Đối với nam 18 tuổi, đến năm 2020 chiều cao trung bình sẽ đạt 167cm, năm 2030 chạm đến ngưỡng 168,5cm; nữ đến năm 2020 cao trung bình 156cm, đến năm 2030 là 157,5cm.

Tin cùng chuyên mục