Đừng vội vã cho rằng taekwondo Việt Nam vẫn đang rất mạnh, có “số” ở khu vực và châu lục, sau thành tích giành 2 HCV, 4 HCB và 3 HCĐ ở giải Vô địch thế giới chỉ vừa kết thúc vài ngày trước. Đấy là những tấm huy chương ở nội dung quyền biểu diễn, không nằm trong hệ thống thi đấu chuẩn mực của Olympic - đỉnh cao nhất của thể thao thế giới.
Tất nhiên, không thể phủ nhận công sức và nỗ lực của các VĐV thuộc đội tuyển quyền Việt Nam mới trở về từ Peru. Tiếc rằng trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của các nền thể thao đỉnh cao, không có chỗ cho nội dung này, dù taekwondo từ lâu đã được xem như môn võ hấp dẫn bậc nhất mỗi khi Thế vận hội diễn ra. Chiến thắng ở các hạng cân đối kháng mới được xem trọng và điều này luôn đúng, đối với cả giới làm nghề lẫn người hâm mộ.
Thể thao Việt Nam từng tự hào với taekwondo, môn thể thao trọng điểm mang về tấm huy chương Olympic đầu tiên (võ sĩ Trần Hiếu Ngân ở Sydney 2000), nhiều lần gây tiếng vang ở sân chơi Asiad, chiếm lĩnh SEA Games… cùng những thế hệ tài năng lần lượt ra đời ở nội dung thi đấu đối kháng như Nguyễn Đăng Khánh, Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống, Nguyễn Thị Huyền Diệu, Nguyễn Văn Hùng, Trọng Cường, Hoài Thu…
Một thời gian dài, taekwondo phát triển rực rỡ và làm lu mờ các môn võ thuật còn lại (karate, judo, vật…) khiến người ta có cảm giác Việt Nam chẳng mấy chốc sẽ biến giấc mơ vàng Olympic thành hiện thực, chứ chẳng đợi đến khi xạ thủ kỳ cựu Hoàng Xuân Vinh cụ thể hóa tại Olympic 2016 ở tuổi tứ tuần.
Có một chút vui vui khi đón nhận thành quả 2 HCV của đội tuyển quyền taekwondo. Song, nỗi buồn dành cho môn võ trọng điểm này ngày một lớn hơn. “Thi trượt” ở vòng loại Olympic 2016, taekwondo Việt Nam lần đầu tiên trắng tay trong hơn 1 thập kỷ. Nhưng điều đó không nguy hiểm bằng câu chuyện môn thể thao này đáng báo động vì sa sút quá nghiêm trọng, trên cả phương diện quản lý (bộ môn và Liên đoàn) lẫn đào tạo nguồn nhân lực.
Hiện nay, Văn Duy, Trung Đức hay Hà Thị Nguyên được cho là những gương mặt nổi bật nhất của taekwondo Việt Nam, nhưng so với thời “nổi như cồn” của các đàn anh, đàn chị, họ thật nhỏ bé. Có thể đổ lỗi cho sự cải cách về bộ áo giáp điện tử khiến chúng ta không theo kịp, hay cho rằng thiếu thốn kinh phí luôn dày vò những nhà làm chuyên môn, khiến họ bó chân, bó tay không giúp được taekwondo Việt Nam tìm lại ánh hào quang xưa.
Song, phải thừa nhận rằng taekwondo Việt Nam đang trong cơn bĩ cực, khủng hoảng sâu về mọi mặt. Taekwondo thế giới vận động và phát triển liên tục, trong khi chúng ta đang lùi lại vì quá phụ thuộc vào “cái nôi” taekwondo Hàn Quốc, gần như không tự chủ được chiến lược phát triển. Mà một khi đã phải nhờ vả thì sức mạnh nội lực của taekwondo sẽ bị lãng quên, học được gì thì thi đấu nấy, xuống dốc về trình độ cũng dễ hiểu. Chưa kể, có một thời gian những nhà quản lý Liên đoàn taekwondo, bộ môn của Tổng cục TDTT thả nổi hoạt động, phát sinh nhiều rắc rối, trong đó có cả những vụ dàn xếp mua bán độ ở những giải đấu quốc gia.
Giới chuyên môn chua chát góp ý rằng Tổng cục TDTT nên nhận định chính xác tiềm năng của taekwondo, đưa môn thể thao từng thuộc nhóm đầu tư ưu tiên số 1 (10 môn trọng điểm) xuống nhóm 2 để làm lại tốt hơn, để không phải tiếp tục gồng mình chịu đựng trong cuộc đua danh vọng mà từ lâu taekwondo Việt Nam đã bị bạn bè bỏ lại phía sau rất xa rồi…
LÊ HÙNG