1. Năm nay, tay vợt Nguyễn Tiến Minh đã 33 tuổi, với 11 năm có tên trong danh sách các VĐV chuyên nghiệp của cầu lông thế giới nhưng anh vẫn đang là tay vợt số 1 Việt Nam dù đoạt chức vô địch quốc gia đầu tiên từ năm 19 tuổi. Tiến Minh sẽ gác vợt, chuyển sang công tác huấn luyện sau Olympic 2016 dù anh có thể thi đấu thêm vài năm nữa mà cũng chẳng có đối thủ trong nước cạnh tranh.
Trường hợp của Tiến Minh là minh chứng cho đời sống lâu bền của một VĐV chuyên nghiệp. Họ kiếm tiền thưởng từ thi đấu và các nguồn tài trợ, rồi dùng tiền đó để đi thi đấu các giải nhà nghề. Tự thân VĐV sẽ giữ phong độ cho mình nhằm kéo dài tuổi thi đấu. Câu chuyện đơn giản ấy, hóa ra lại không dễ dàng với thể thao Việt Nam.

Tay vợt Nguyễn Tiến Minh sẽ chuyển sang công tác huấn luyện sau Olympic 2016 Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trường hợp Tiến Minh hay như của kỳ thủ Lê Quang Liêm, tay vợt Lý Hoàng Nam… lại được xem là cá biệt, trong khi sự kết thúc trong nước mắt của nhiều VĐV đỉnh cao khác thì vẫn thường xuyên xảy ra. Những câu chuyện buồn của Hoàng Hà Giang (võ thuật), Nguyễn Thị Nụ, Vũ Bích Hường (điền kinh), Lê Thị Huệ (vật), Huyền Trang (cầu lông)… lại là một bộ mặt khác của thể thao Việt Nam khi đi liền với những vinh quang là cuộc sống vất vả để mưu sinh và theo đuổi đam mê trong sự bế tắc. Họ đến với thể thao, thời gian tập luyện để vươn đến đỉnh cao không khác gì so với Tiến Minh nhưng ở các môn thi đấu của họ, hoàn toàn không có môi trường chuyên nghiệp để đem đến một kết thúc có hậu. Điều đó đương nhiên là không phải lỗi của họ.
2. Câu chuyện lùm xùm quanh chấn thương của cầu thủ Anh Khoa là một ví dụ khác. Đây là môn chơi được chuyên nghiệp đã lâu, cầu thủ gần như sống bằng nghề nhưng kể cả khi có tiền để chữa trị chấn thương, khả năng giải nghệ vẫn xảy ra rất sớm với VĐV. Nguyên nhân là môi trường thi đấu không được chuyên nghiệp, chấn thương gặp phải luôn ở trong tình trạng nặng hơn bình thường do hành vi phạm lỗi diễn ra một cách thô bạo. Nói cách khác, ý thức chuyên nghiệp vẫn còn manh mún, cầu thủ chưa biết giữ gìn “nồi cơm” cho nhau.
Tính từ khi trở lại hội nhập với thể thao thế giới từ năm 1981 đến nay - khoảng thời gian đủ dài để xây dựng một nền thể thao chuyên nghiệp, nhưng tại Việt Nam hiện nay, mọi thứ vẫn khá mông lung. Ngoài bóng đá, các môn thể thao đỉnh cao khác mỗi năm chỉ thi đấu 1 - 2 giải cấp quốc gia. Thời gian tập nhiều, điều kiện dinh dưỡng hạn chế, dính chấn thương thì coi như tự kết thúc sự nghiệp khi không có nguồn tài chính bảo đảm cho việc chữa trị chấn thương. 80% các môn thi đấu quốc tế hiện vẫn do nhà nước chi trả.
Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ chính trị ban hành năm 2011 được xem là “cơ hội lịch sử” trong việc xây dựng một nền thể thao chuyên nghiệp. Hệ thống các văn bản pháp luật của thể thao đều đã có, bao gồm những chiến lược phát triển, riêng phần đỉnh cao do Chính phủ phê duyệt. Thế nhưng, ngoài những thành tựu về thể thao quần chúng, các kết quả thi đấu tại những đại hội SEA Games, Asiad…thì thực tế cho thấy phần lớn mảng thi đấu chuyên nghiệp vẫn không tiến triển. Đây chính là nhiệm vụ trọng tâm của thể thao Việt Nam nếu muốn thúc đẩy sự phát triển của nền thể thao nước nhà.
ĐĂNG LINH