Ngay sau khi kình ngư tai tiếng người Trung Quốc thể hiện sự giận dữ của mình, Scott vẫn tỏ ra rất bình thản, đúng như cái cách mà Mack Horton từng sử dụng để “đối đầu” với Sun Yang vào hôm kia. Sau đó, kình ngư 22 tuổi quê ở Glasgow (Scotland) đã từ chối đứng chung bục nhận huy chương để chụp ảnh cùng kẻ chiến thắng.
Sun Yang sau đó rất cay cú và tiếp tục nói lời nặng nhẹ với Scott, nhưng anh này vẫn “tỉnh bơ”. Đây là một trong những lần hiếm hoi trong thể thao nói chung và bơi lội nói riêng, người ta được chứng kiến kẻ giành chiến thắng lại bừng bừng tức giận, và “kẻ bại tướng” lại ung dung, điềm tĩnh…
Sun Yang đã giành tấm HCV thứ 2 ở Gwangju, và cũng là tấm HCV thứ 11 ở các kỳ giải VĐTG, khi đạt thành tích 1 phút 44 giây 93 ở vòng bơi chung kết của nội dung 200m cá nhân. Anh đã đánh bại cả 3 đối thủ còn lại là Katsuhiro Matsumoto (Nhật Bản) - 1 phút 45 giây 22, thành tích phá kỷ lục quốc gia; Scott và Martin Malyutin (Nga) - đều có thành tích là 1 phút 45 giây 63. Nhưng tất cả mọi thứ đều vô nghĩa trước Scott
Hành động của Scott, cũng giống như của Horton, tiếp tục gây bão ở thời điểm các CĐV Trung Quốc vẫn đang dọa giết kình ngư người Úc vì từ chối đứng cùng bục nhận huy chương với Sun Yang hôm 22-7, trong khi đó, có rất nhiều người lại bảo vệ cả 2 anh này với quan điểm: “Không có lửa làm sao có khói”, khi mà số phận của Sun Yang chỉ được định đoạt ở CAS vào tháng 9 tới đây.
Trong khi đó, Adam Peaty, đồng hương nổi danh của Scott, kình ngư đã giành HCV ở nội dung 100m ếch, vừa lên tiếng bảo vệ người bạn thân của mình: “Người đồng đội của tôi hoàn toàn có quyền đưa ra hành động như vậy. Sun nên xem xét lại vị thế của anh ta trong làng bơi lội thế giới. Anh ta nên tự vấn lại lương tâm, tự hỏi bản thân rằng anh ta thật sự là như thế nào trong môn thể thao này, khi mọi người đều la ó, chế giễu anh ta. Nhưng tôi biết anh ta là như thế nào, và họ là như thế nào. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất, là một VĐV thể thao, bạn có quyền đưa ra tiếng nói, và đám đông cũng vậy”.
“Nếu các CĐV không hề muốn anh ta hiện diện ở đây, tôi thậm chí còn chẳng hiểu, tại sao anh ta lại đang thi đấu ở đây? Ý của tôi là, nếu 2 ngày trước, ở trong cùng trường hợp với Horton, tôi cũng lựa chọn không bước lên bục huy chương cùng với anh ta”, Peaty đưa ra kết luận, không quên ủng hộ cả hành động của kình ngư người Úc là Horton.
Trong khi đó, Sun Yang trước những rắc rối của chiến thắng, chỉ tập trung nói về bản thân mình (và đó là một quyết định khôn ngoan): “Chiến thắng của tôi, là bởi vì tôi đã làm việc cật lực. Tôi tiếp tục chiến đấu. Tôi sẽ không từ bỏ khi vẫn đang còn ở vị trí thứ 2. Tôi là người duy nhất tham gia vòng loại nội dung 800m tự do vào sáng nay. Tôi rất mệt, tôi chỉ ngủ vài tiếng”.