Giấc mộng châu Á

Thể thao Việt Nam còn hơn 6 năm để chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho Asian Games 2019. Xen giữa sự tự hào là một cảm giác băn khoăn, khi Á vận hội không đơn giản như “Hội làng” SEA Games, cũng chẳng gọn nhẹ như Asian Indoor Games. Bên cạnh việc chỉnh trang các công trình phục vụ thi đấu, thể thao Việt Nam còn phải chuẩn bị lực lượng tài năng thực sự để mưu cầu thành tích…

Thể thao Việt Nam còn hơn 6 năm để chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho Asian Games 2019. Xen giữa sự tự hào là một cảm giác băn khoăn, khi Á vận hội không đơn giản như “Hội làng” SEA Games, cũng chẳng gọn nhẹ như Asian Indoor Games. Bên cạnh việc chỉnh trang các công trình phục vụ thi đấu, thể thao Việt Nam còn phải chuẩn bị lực lượng tài năng thực sự để mưu cầu thành tích…

1. Hôm 11-4, Chủ tịch Hội đồng thể thao châu Á - ông Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Shabad - cùng phái đoàn của OCA đã đến Việt Nam thị sát công tác chuẩn bị của nước chủ nhà 2 sự kiện tầm châu lục là Đại hội thể thao biển 2016 và Asian Games 2019. Vẫn còn một số điều băn khoăn về cơ sở hạ tầng, nhưng nhìn chung, người đứng đầu làng thể thao châu Á tỏ ra lạc quan với các giải pháp mà Việt Nam đưa ra, không nằm ngoài mục đích tổ chức thành công và tạo được tiếng vang ở 2 sự kiện thể thao hàng đầu châu lục nói trên.

Thực ra, ngay sau khi Việt Nam được trao quyền đăng cai Asian Games 2019, Hà Nội và 14 tỉnh, thành đã bắt đầu vận hành chiến lược chuẩn bị cho sự kiện sẽ đón tiếp 13.000 quan chức và VĐV này, khởi phát từ việc lập dự án xây mới, nâng cấp nhiều công trình thi đấu thể thao, Cung đua xe đạp lòng chảo, Nhà thi đấu đa năng 10.000 chỗ, làng VĐV với sức chứa 11.000 người… trên cái nền đã có sẵn từ SEA Games 2003 và Asian Indoor Games 2009.

Hơn 6 năm nữa, sự kiện thể thao số 1 châu Á mới khởi tranh, nhưng rõ ràng để chuẩn bị cho chừng 1 tháng tranh tài đỉnh cao ấy, ngành TDTT nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung sẽ phải nỗ lực hết mình, đặc biệt trong hoàn cảnh kinh tế chung đang rất khó khăn.

Chính phủ cho chủ trương xã hội hóa vì Asian Games 2019, nghĩa là hy vọng sẽ tận dụng tối đa nguồn lực ngoài ngân sách để phục vụ công tác chuẩn bị đăng cai cho sự kiện này và điều đó là hoàn toàn hợp lý. Ngoài khoản 150 triệu USD mà Việt Nam chuẩn bị cho Á vận hội, hàng trăm triệu USD khác sẽ được huy động để xây mới, tân trang các địa điểm thi đấu, tổ hợp khách sạn 5 sao nằm trong khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình - sau khi Bộ VH-TT-DL chính thức tiếp quản.

Có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng Việt Nam sẽ gặp vô vàn khó khăn khi trở thành chủ nhà của Asian Games 2019, vì tiêu tốn quá nhiều tâm sức và tiền của. Tuy nhiên, ở chiều hướng tích cực hơn, đây là sự kiện không chỉ giúp thể thao Việt Nam thể hiện khát vọng chiến thắng, mà còn mở ra nhiều cơ hội khác để quảng bá con người, lối sống và chất lượng dịch vụ du lịch của đất nước Việt Nam. Nếu chuẩn bị và tổ chức thành công Asian Games 2019, hình ảnh của Việt Nam sẽ rất khác, đẹp và đáng tự hào trong mắt của bạn bè thế giới…

2. Ở Asian Games 2010, thể thao Việt Nam chỉ giành được 1 tấm HCV môn karatedo, 17 HCB và 15 HCĐ. Đấy là thành tích gây nhiều tiếc nuối nhất trong lịch sử những lần dự tranh đấu trường lớn này. Chúng ta đã có cơ hội bước lên đỉnh vinh quang nhiều lần hơn hình ảnh của một mình nữ võ sĩ Lê Bích Phương, nhưng nói như Trưởng đoàn Lê Quý Phượng khi đó, mặc dù tiềm lực của chúng ta có, nhưng phần vì cách chăm sóc cho những VĐV ưu tú ở các môn trọng điểm như điền kinh, bơi lội, bắn súng, taekwondo… chưa ổn, phần nữa là do thiếu may mắn, nên mọi thứ không thuận lợi như dự tính.

Asian Games 2010 là bài học xương máu cho chiến lược chuẩn bị con người của thể thao Việt Nam. Có thể tại Á vận hội năm tới ở Incheon (Hàn Quốc), chúng ta vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Thế nhưng, 6 năm để xây dựng một lực lượng VĐV tài năng, đủ sức cạnh tranh trên bảng vàng của Asian Games 2019 là chuyện không quá tầm với.

Vấn đề là, khi đã có trong tay những gương mặt trẻ và ưu tú như Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Nguyễn Thị Thanh Phúc, Trần Huệ Hoa, Dương Văn Thái, Quách Thị Lan, Dương Thị Việt Anh (điền kinh), Nguyễn Hoàng Thiên, Lý Hoàng Nam (quần vợt), Phan Thị Hà Thanh (TDDC) hay những xạ thủ giàu kinh nghiệm như Hoàng Xuân Vinh, Hà Minh Thành, Lê Thị Hoàng Ngọc (bắn súng)… chiến lược đầu tư cho họ ra sao, có đến nơi đến chốn hay không mà thôi.

Asian Games với thể thao Việt Nam vẫn luôn là một giấc mộng. 6 năm nữa, để nhiều lần Việt Nam được xướng tên trên bảng vàng thành tích châu lục, trách nhiệm lớn lao này thuộc về ngành TDTT. 

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục