Tưởng chừng đất nước ở xứ nhiệt đới như Việt Nam khó có thể tiếp xúc với các môn thể thao mùa đông, chứ đừng nói đến việc phát triển phong trào. Nhưng thực tế đã chứng minh có quyết tâm thì chẳng điều gì là không thể.
Từ trượt băng tốc độ rồi đến trượt băng nghệ thuật, thậm chí đến môn thể thao “đặc sản” ở vùng có tuyết như xe trượt lòng máng, trượt băng nằm sấp…cũng đã có dấu ấn của tuyển thủ Việt Nam. Năm 2018, Liên đoàn trượt băng Việt Nam được thành lập với những mục tiêu phát triển rộng khắp môn thể thao này cũng như tạo điều kiện tốt nhất để tuyển thủ Việt Nam có cơ hội thi đấu nhiều giải quốc tế.
Từ đó, trượt băng tốc độ và trượt băng nghệ thuật bắt đầu được những người làm công tác chuyên môn phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Dù còn khá mới mẻ nhưng những bộ môn này đang ngày càng trở nên phổ biến và được giới trẻ theo đuổi tập luyện. Rõ ràng, điều kiện về cơ sở vật chất và sân bãi còn nhiều hạn chế, tập trung chủ yếu tại TPHCM hay Hà Nội, song Liên đoàn luôn cố gắng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, tập luyện, biểu diễn, giao lưu và thi đấu off-ice (không có băng), sau đó tiến đến các giải đấu cấp độ quốc gia.
VĐV trượt băng nghệ thuật Việt Nam Trần Khánh Linh
Trong tháng 9 vừa qua, tin vui đến với thể thao nước nhà khi đội tuyển trượt băng tốc độ Việt Nam giành được 5 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ tại giải vô địch trượt băng tốc độ quốc gia Indonesia 2022 ở Jakarta, sự kiện được tính điểm thành tích trên đấu trường quốc tế để lấy suất tham dự kỳ Olympic mùa đông. Với lần xuất ngoại “hiếm hoi” này đã phần nào giải quyết nhu cầu thi đấu cọ xát tại các giải chuyên nghiệp quốc tế nâng cao trình độ và tích lũy điểm số cá nhân trên bảng xếp hạng thế giới của các VĐV Việt Nam.
Hay trượt băng nghệ thuật Việt Nam lần đầu đã có VĐV tham dự giải thanh thiếu niên Grand Prix 2022 (thuộc hệ thống thi đấu trẻ của trượt băng nghệ thuật thế giới). Trong những ngày đầu tháng 10, khán giả Việt Nam có cơ hội lần đầu xem VĐV trượt băng nghệ thuật thi đấu giải vô địch quốc gia trong nước. Là sự kiện lần đầu diễn ra, nhưng giải đã thu hút 17 VĐV là những người đã tập luyện và có kinh nghiệm với môn thể thao vẫn còn mới mẻ này tại Việt Nam.
Thể thao Việt Nam tạo các dấu ấn ở những môn thể thao mùa đông
Không ngừng lại ở đó, thể thao Việt Nam lại hướng đến một ước mơ xa hơn, đấu trường Olympic mùa đông. Cuối năm năm 2020, đoàn thể thao Việt Nam với 6 tuyển thủ lên đường đến với khu liên hợp thể thao Olympic Pyeongchang tại Hàn Quốc để bắt tay vào nhiệm vụ mới. Chương trình tập huấn “New Horizon Sliding Champions” được hỗ trợ bởi Quỹ Di sản Pyeongchang 2018 đặt mục tiêu giúp các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á giành được quyền tham dự Olympic mùa đông 2022 tại Bắc Kinh. Các tuyển thủ xe trượt lòng máng Việt Nam đã nuôi lớn giấc mơ Olympic mùa đông bằng những cuộc chiến vô cùng gian nan tại các giải đấu tích lũy điểm tận châu Âu, Bắc Mỹ. Thế nhưng, vì Covid-19 mà giấc mơ ấy phải khép lại vào phút chót trong sự tiếc nuối của các VĐV trẻ.
Dù sao đi nữa, việc tập luyện và thi đấu ở những môn thể thao không phải “đặc sản” của xứ nhiệt đới, nhưng với lòng khát khao chinh phục những điều mới mẻ, tất cả đã cùng nhau làm nên những dấu ấn mới trong lịch sử thể thao Việt Nam.