Giấc mơ hóa rồng

Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Toàn dân tập luyện thể dục”, đến nay, sau 70 năm, thể thao Việt Nam đã vươn mình tiến ra biển lớn với những dấu ấn trên đấu trường quốc tế.

Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Toàn dân tập luyện thể dục”, đến nay, sau 70 năm, thể thao Việt Nam đã vươn mình tiến ra biển lớn với những dấu ấn trên đấu trường quốc tế.

Điều đáng ngạc nhiên đó là sân chơi quốc tế đầu tiên mà thể thao Việt Nam tham dự sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, mà không phải là khu vực với SEA Games, hay châu lục cùng Asiad mà đó là Olympic Moscow 1980, khi nhờ sự giúp đỡ của nước chủ nhà Liên Xô cũ, quốc kỳ Việt Nam đã tung bay trên đỉnh Olympia, đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh. Với một đất nước phải trải qua 2 cuộc chiến, đối diện với muôn vàn khó khăn sau ngày thống nhất, nhìn một cách toàn diện có thể nói thể thao Việt Nam đã thành công trong chiến lược “đi tắt đón đầu” của mình.

Tiêu biểu nhất có lẽ là việc tổ chức thành công SEA Games 2003 trên sân nhà. Đó là lần đầu tiên, thể thao Việt Nam giành ngôi số 1 toàn đoàn, tạo ra một bước chuyển mình để kể từ đó, chúng ta luôn có mặt trong tốp 3 của SEA Games và quan trọng hơn, đã trở thành một trong những quốc gia “thống trị” một loạt môn thi đấu Olympic như điền kinh, đấu kiếm, bơi thuyền, thể dục, bắn súng… Cũng chính sân chơi SEA Games, dù hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về chất lượng, chính là nền tảng quan trọng để các quốc gia có xuất phát điểm thấp và sau như Việt Nam hướng đến những cột mốc quan trọng hơn trên đấu trường thế giới.

***
Mùa hè 1980, thời điểm mà nền kinh tế thời hậu chiến còn cực kỳ khó khăn, việc 35 tuyển thủ của các môn: bơi, vật tự do, điền kinh và bắn súng sang Moscow để dự Olympic đúng là kỳ tích. Khi ấy với trình độ còn... chẳng biết ở đâu, đoàn thể thao Việt Nam không có thành tích nào đáng kể. Dấu ấn lớn nhất có lẽ chỉ là trận thắng  của đô vật Phí Hữu Tình  trước nhà vô địch thế giới 10 năm liền người Cameroon Victor Kede Manga với tỷ số khó tin 12-0. Nhưng đó cũng là chiến thắng duy nhất. Phải 8 năm sau, thể thao Việt Nam mới bắt đầu tham dự Olympic thường xuyên hơn kể từ Seoul 1988 đến nay. Các kỳ Olympic tiếp theo như Barcelona 1992 và Atlanta 1996, số tuyển thủ Việt Nam góp mặt chưa quá con số 10 ở khoảng 4-6 môn thi.

Nhưng rồi tất cả đã thay đổi vào đúng năm 2000, khi Taekwondo có mặt tại Olympic.  Taekwondo cũng là môn thể thao mũi nhọn của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Ở thời điểm đó, các võ sĩ Taekwondo không chỉ xếp trong tốp đầu Đông Nam Á, mà ngay từ năm 1994, Trần Quang Hạ từng mang về tấm HCV Asiad đầu tiên. Tuy nhiên, khi ấy mục tiêu của Taekwondo cũng chỉ là vượt qua vòng loại giành suất chính tham dự Olympic Sydney 2000. Vậy nên chẳng ai có thể ngờ, không chỉ giành 2 suất tham dự chính thức, buổi chiều ngày 28-9-2000 tại đấu trường State Aports Center (Sydney, Australia) nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân đã cắm cột mốc cho lịch sử thể thao Việt Nam khi mang về tấm HCB hạng 57kg nữ, tấm huy chương Olympic đầu tiên.

Giấc mơ đã thành hiện thực và nó làm thay đổi toàn bộ cách thức làm thể thao của những nhà quản lý và đó là tiền đề cho cú ‘vượt vũ môn” đứng đầu khu vực tại SEA Games 3 năm sau trước khi được tiếp nối bằng chiếc HCB của lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn ở Olympic Bắc Kinh 2008. Với 2 tấm HCB kể trên, thể thao Việt Nam có mặt trong tổng số 145 quốc gia, vùng lãnh thổ khác giành được huy chương Olympic. Sau năm 2008, đến Olympic London 2012, đoàn thể thao Việt Nam lập kỷ lục với số vận động viên giành quyền tham dự chính thức. Cụ thể, 18 tuyển thủ  rải đều ở 11 môn với kỳ vọng huy chương được đặt vào cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn súng và Taekwondo...

***

“Giấc mơ hóa rồng” của thể thao Việt Nam ngày càng gần với hiện thực nhờ chiến lược đầu tư trọng tâm mà các thành công của Nguyễn Thị Ánh Viên, Lê Quang Liêm, Lý Hoàng Nam, Hoàng Xuân Vinh, Phan Thị Hà Thanh...

Một chi tiết đáng mừng là dự chi ngân sách cho ngành TTVN đã có sự cải thiện đáng kể, từ 730 tỷ đồng năm 2015 lên 970 tỷ đồng năm 2016. Và khi mà chi ngân sách cho văn hóa, thông tin có xu hướng điều chỉnh giảm nhẹ thì việc tăng gần 13,3% chi cho thể thao là một bước tiến. Đó là một thành quả xứng đáng mà ngành thể thao đạt được sau một kỳ SEA Games chuyển hướng ngoạn mục với hơn 85% số HCV thuộc về các môn thể thao Olympic và khoản tiền 4 tỷ đồng đầu tư cho Ánh Viên đã góp phần giúp VĐV này giành tới 8 HCV và 8 lần phá kỷ lục là bài học.

Yến Phương  

Tin cùng chuyên mục