Đây là trận đấu được đánh giá là “kinh điển” giữa 2 đối thủ có phong cách hoàn toàn khác nhau, một người trọng quyền nhanh, thích thắng knock-out, một người thiên về phòng thủ và thích chơi phản đòn...
Trận chiến kinh điển – trận chiến “địa ngục”
Nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ là không công bằng nếu so sánh cuộc đối đầu giữa “Quái thú” Golovkin và Saul “tóc đỏ” (và… “râu cũng đỏ”) với trận đấu danh lừng quá khứ giữa 2 “bậc tiền bối” Marin Hagler “phi thường” và Thomas Hearns hồi tháng 4-1985. Trận đấu giữa Hagler và Hearns, tranh các đai vô địch hạng trung của WBA, WBC, IBF và The Ring năm đó được miêu tả là “trận đấu vĩ đại nhất từ trước đến nay”, dựa trên lượng tiền cược đổ vào trận đấu, đẳng cấp kỹ năng đánh đấm và cả sự tàn bạo của đôi bên khi cái cách mà 2 võ sĩ lao thẳng vào nhau khiến người xem phải lạnh người. Hagler đã thắng bằng knock-out kỹ thuật ngay ở hiệp đấu thứ 3.
Từ đó cho đến nay, hiếm có trận quyền Anh hạng trung nào mang lại một cảm xúc… “rợn da gà” tương tự. Trận đấu giữa Sugar Ray Leonard và Hagler, diễn ra 2 năm sau trận đấu giữa Hagler và Hearns, cũng gây ra một sự chú ý rộng rãi nơi giới mộ điệu quyền Anh toàn thế giới. Hagler để thua Sugar Ray, người đã thi đấu cực kỳ thận trọng vì e ngại đối thủ, bằng điểm số (không tuyệt đối) sau 12 hiệp đấu. Đó cũng là trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp của Hagler “phi thường”.
Hay như Diego Corrales, trước lần thượng đài đầu tiên với Jose Luis Castillo (ngày 7-5-2005), có tâm sự với các nhân viên sửa sang sàn đài Mandalay Bay Events Center, địa điểm anh này sẽ đụng độ với Castillo, rằng: “Đơn giản, tôi chỉ muốn ngồi vào một trong những chiếc ghế khán giả vào đêm thứ Bảy này. Tôi và Castillo, chúng tôi sẽ phải nổi cả lửa địa ngục nếu muốn giành chiến thắng trong trận đấu đó”.
Quả thật, lửa địa ngục đã nổi, khi Corrales và Castillo lao vào nhau trong trận đấu ác liệt nhất và lớn nhất trong gần chục năm trở lại đây, và cuối cùng, Corrales đã giành chiến thắng bằng knock-out kỹ thuật ở hiệp 10, qua đó, giữ lại đai vô địch hạng nhẹ WBC và The Ring. Chiến thắng đó, hóa ra lại không phải là điềm may cho Corrales. Anh để thua 3 trận liên tiếp sau đó, trong đó có cả trận thua ở lần tái đấu với Castillo. Rồi anh qua đời sau một vụ tai nạn xe mô tô thảm khốc ở Los Angeles 2 năm sau khi “nổi lửa địa ngục”. Nhưng những gì mà Corrales đã nói, những thứ mà Corrales và Castillo đã thể hiện, cùng những gì đã diễn ra với những Hagler, Hearns, Sugar Ray, theo một cách riêng nào đó, đang chực chờ bùng cháy trong khoảnh khắc Golovkin đối đầu Alvarez.
Người ta chưa công nhận đây là một trận đấu kinh điển, vì tự bản thân cả Golovkin lẫn Alvarez chưa thành một huyền thoại. Họ chỉ là 2 võ sĩ khét tiếng nhất trong hạng cân của mình. Nhưng sau ngày mai, khi hoặc Golovkin, hoặc Alvarez “định nghĩa” lại sự nghiệp của mình, bằng một chiến thắng, họ sẽ trên đường trở thành một huyền thoại, và trận chiến ngày mai, nếu quả thật kịch tính khó lường, nó sẽ được nói đến sau này… mãi mãi.
Như những gì Oscar De La Hoya, ông bầu của Alvarez miêu tả: “Đây là trận chiến của… địa ngục”, Golovkin đã từng nói đến rất nhiều lần. Nào là: “Trận loạn đả đường phố kiểu Mexico”, nào là: “Người thắng được về nhà, người thua phải nhập viện”, thì trận đấu này, chắc chắn đã mang đủ tố chất của một trận đấu kinh điển mà đỉnh cao của nó có thể là… địa ngục xuất hiện ngay tại Paradise…
Cả Golovkin lẫn Alvarez đều có những phát biểu tương tự nhau trong buổi họp báo trước trận đấu. Võ sĩ người Kazakhstan có biệt danh “Triple G” lên tiếng cho biết: “Tôi không muốn nói quá nhiều. Tôi đã sẵn sàng. Tôi tôn trọng đội của Canelo. Đây là một ngày trọng đại, không chỉ đối với chúng tôi, với quyền Anh mà còn với kỷ nguyên này. Đây sẽ là một trận đấu khổng lồ tại sàn đài T-Mobile Arena. Tôi cảm giác rất thoải mái. Tôi cũng đã thấy Canelo sẵn sàng. Anh ấy sẵn sàng cho một công việc nghiêm túc, một trận đấu nghiêm túc. Trận đấu này sẽ là món quà lớn nhất dành tặng tất cả mọi người”.
Cũng giống như Richard “Sư tử tâm” trong truyện Ivanhoe, đơn giản, Golovkin là một “hiệp sĩ bị ruồng bỏ” khi ai ai cũng tránh né anh, từ chối anh, không muốn chạm trán với anh. Đơn giản vì sự sợ hãi dành cho phong cách của anh. Cơ hội đối mặt giữa anh với Alvarez từng được nhắc đến lần đầu tiên hồi năm… 2014, nhưng 3 năm sau, nó mới trở thành “một sự kiện có thật”. Chính Golovkin cũng “bó tay” với chuyện này: “Nó không giống như là Canelo không sẵn sàng. Nó kiểu như là Golden Boy (Công ty quản lý Alvarez do De La Hoya làm chủ) không sẵn sàng vậy. Chúng tôi đã nói về trận đấu này trong 3 năm trời. Cuối cùng thì họ mới sẵn sàng”.
Nhưng quá khứ là quá khứ. Hiện tại, quyền Anh thế giới có một Alvarez sẵn sàng chấp nhận thách thức và hiểm nguy. “Giờ đây, ít nhất chúng ta có Gennady chống lại Canelo, một trận đấu theo phong cách Mexico thật sự. Tôi xin tán dương Canelo, bởi vì cậu ấy dám bước ra chấp nhận thách thức, cậu ấy thật sự luôn mong muốn đấu trận đấu này”, HLV Sanchez cho biết.
Golovkin là tay quyền nhanh nhất hiện nay. Anh đã thắng 33/37 trận toàn thắng bằng knoc-kout, trong đó có 25 trận thắng knock-out từ hiệp 6 trở về trước. Tính trung bình, Golovkin thường thắng knock-out ở hiệp đấu thứ… 4,5. Cả DeLa Hoya lẫn Alvarez đều miêu tả “Quái thú” là mẫu võ sĩ “thích tiến lên phía trước, thích chơi áp đảo ngay từ đầu và thích tìm kiếm những chiến thắng knock-out. Phong cách này có thể thấy rất rõ ở “những cơn cuồng phong của Mike thép” ngày nào hay với Anthony Joshua – người đang thống trị ở hạng cân nặng của quyền Anh chuyên nghiệp. Nhưng do hạng cân nhỏ, cách đánh của Golovkin còn được cho là “tốc chiến tốc thắng” hơn cả Mike “thép” lẫn Joshua, và vì vậy, mang đến cho trận đấu nhịp điệu nhanh hơn, kịch tính hơn.
Trong khi đó, Alvarez là tay quyền thủ - phản công số 1 trong hạng cân của mình. Anh từng thắng nhờ chiến thuật này trong hàng loạt trận đấu đáng nhớ trước Amir Khan, Julio Cesar Chavez. Trận thua Floyd Mayweather hồi năm 2013 là một bài học mà Alvarez đã học thuộc, rằng trong quyền Anh, quyền thủ cũng là… một loại quyền, và chơi nó, phải dùng cái đầu!