Hôm nay 17-5, tại Nhà hát TPHCM:

Gala trao thưởng Quả bóng vàng Việt Nam năm 2009: Những ngôi sao giản dị

Gala trao thưởng Quả bóng vàng Việt Nam năm 2009: Những ngôi sao giản dị

Không mang vẻ hào nhoáng của một ngôi sao nổi tiếng, chẳng hoa mỹ trong câu nói, rất thật mỗi khi trải lòng với giới truyền thông và rất tài năng… Đấy là những điểm chung nhất mà người ta nhận thấy ở các cầu thủ đoạt danh hiệu QBV, QBB, QBĐ nam và nữ năm 2009. Có lẽ, đây là lần đầu tiên các danh hiệu của giải thưởng Quả bóng vàng được trao cho những ngôi sao giản dị nhất của bóng đá Việt Nam.

Phạm Thành Lương trong con mắt đánh giá của HLV trưởng ĐTQG Việt Nam, ông Calisto, chính là mẫu tiền vệ cánh hiếm và đầy tiềm năng. Chàng tiền vệ 22 tuổi (sinh năm 1988) luôn là lựa chọn số 1 của ông thầy người Bồ Đào Nha ở đội tuyển U23 và cả ở ĐTQG.

Chân trái quá khéo léo, tốc độ chạy cực nhanh, kỹ năng dẫn bóng sắc sảo và những cú sút xa hiểm hóc…, tất cả những phẩm chất cần thiết ấy đã tạo nên một “sóc nhỏ” Phạm Thành Lương tài năng của ngày hôm nay.

Thể hình thua sút nhiều so với đối thủ (Lương chỉ cao 1,62m) nhưng kỹ thuật cá nhân và nhãn quan chiến thuật của tiền vệ này mới là điều quan trọng nhất. Có người cho Lương là “dị”, nghĩa là tư duy chơi bóng rất quái, luôn mang đến những điều bất ngờ. Nhưng tiền vệ này thích được gọi với cái tên “sóc nhỏ” hơn.

Phạm Thành Lương.

Phạm Thành Lương.

Lương chơi bóng từ nhỏ và nổi danh trong đội tuyển thiếu niên tỉnh Hà Tây (cũ) khi dự Hội khỏe Phù Đổng tỉnh hồi năm lớp 4. Thế nhưng, đấy cũng chính là kỷ niệm đáng nhớ nhất ở tuổi học trò vì dù có tên trong đội hình vô địch tỉnh, Thành Lương vẫn bị… lưu ban! Nhớ lại kỷ niệm ấy, Lương lại cười: “Muôn sự cũng vì tôi ham bóng đá quá”.

20 tuổi, Lương tiến thẳng lên ĐTQG và dưới thời của HLV Calisto, anh được trọng dụng dù đôi lúc ông thầy người Bồ khó tính sẵn sàng “quạt” Lương trong các buổi tập. 20 tuổi, Lương cùng đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2008. Năm ngoái, Lương đeo băng đội trưởng đội tuyển U23 Việt Nam đến SEA Games 25 với mục tiêu vô địch.

Thế nhưng, tiếc rằng giấc mơ lên ngôi ở một kỳ đại hội khu vực vẫn chưa thành. Nhưng dẫu sao, những đóng góp của Thành Lương cho bóng đá Việt Nam đã được ghi nhận bằng việc anh được trao danh hiệu Quả bóng vàng 2009.

Nguyễn Vũ Phong.

Nguyễn Vũ Phong.

Là đàn anh của Thành Lương nhưng tiền vệ Nguyễn Vũ Phong (sinh năm 1985) xem ra còn giản dị và kín tiếng hơn.

Sinh ra ở Vĩnh Long, tiền vệ Vũ Phong suýt chút nữa đã không trở thành cầu thủ chuyên nghiệp khi bị loại khỏi cuộc tuyển chọn cầu thủ năng khiếu của tỉnh Vĩnh Long trước đây. Phải nhờ đến giấy bảo lãnh của nhiều HLV và giới chức thể thao trong tỉnh, Phong mới… đậu vớt!

Đúng là trời không phụ lòng người, Phong tiến bộ một mạch, trở thành cầu thủ trụ cột của đội tuyển Vĩnh Long ở giải hạng ba, rồi hạng nhì, để rồi sau đó lập kỳ tích trở thành cầu thủ chơi ở giải hạng nhì đầu tiên được triệu tập vào ĐTQG năm 2005.

Phong giờ đây đã trở thành một trong những cầu thủ trụ cột của CLB Becamex Bình Dương và ĐTQG. Nói chung, ở đâu thì Vũ Phong cũng chơi bóng hết mình, chơi vì niềm tự hào của một cầu thủ và vì danh tiếng của CLB, của ĐTQG ở các đấu trường quốc tế.

Có thể nhiều người tiếc cho Vũ Phong vì sau những đóng góp không biết mệt mỏi suốt năm 2009, anh xứng đáng nhận được danh hiệu Quả bóng vàng thay vì chỉ nhận được Quả bóng bạc. Nhưng bản thân tiền vệ này lại cho rằng, đấy lại trở thành động lực cho anh tiếp tục phấn đấu trong tương lai.

Quả bóng đồng - thủ môn Bùi Tấn Trường - vẫn còn ấm ức vì đội tuyển U23 Việt Nam để thua U23 Malaysia ở trận chung kết SEA Games 25. Trường đã tiếp tục ở lại chiến đấu cùng đồng đội dù cái vai chấn thương khá nặng. Lúc đó, Tấn Trường chỉ nghĩ rằng nếu anh ở lại, tiếp tục chơi lăn xả sẽ trở thành niềm khích lệ cho đồng đội tiến lên phía trước. Nhưng tiếc là vận may đã không mỉm cười với Trường và đội tuyển U23.

Thủ môn cao kều (Trường sinh năm 1986, cao 1,88m) sinh ra ở vùng Lai Vung (Đồng Tháp) được nhiều HLV có tiếng đánh giá là thủ môn số 1 trong vòng 20 năm trở lại đây của bóng đá Việt Nam.

Bùi Tấn Trường.

Bùi Tấn Trường.

o0o

Giờ đây, tiền vệ Đoàn Thị Kim Chi đã trở thành người sở hữu nhiều danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam nhất (4 lần, tính luôn danh hiệu năm nay cô được trao). Vượt qua cả cánh mày râu, Kim Chi quả thực đã trở thành một tượng đài của bóng đá Việt Nam.

Đoàn Thị Kim Chi.

Đoàn Thị Kim Chi.

Những đóng góp của cầu thủ 31 tuổi này (Chi sinh năm 1979) cho bóng đá nữ nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung là rất lớn. 4 lần trong sự nghiệp, Kim Chi đã cùng đàn chị Lưu Ngọc Mai, các đàn em Đào Thị Miện, Văn Thị Thanh, Kim Hồng… nâng cao chiếc Cúp vô địch SEA Games, điều mà bóng đá nam vẫn chưa làm được.

Dũng mãnh bay lượn trong khung thành, thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh giống như một phần không thể thiếu của CLB TPHCM và đội tuyển nữ quốc gia, sau khi đàn chị nổi tiếng Nguyễn Thị Kim Hồng treo găng.

Sinh năm 1985, tuổi con Trâu, Trinh đúng là đã làm việc cật lực, “cày bừa” trên mọi mặt trận cùng đội tuyển nữ Việt Nam để xây dựng thương hiệu bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế. Danh hiệu Quả bóng bạc chính là sự tưởng thưởng cho Kiều Trinh trong năm 2009 thăng hoa cùng bóng đá nữ Việt Nam.

Đặng Thị Kiều Trinh.

Đặng Thị Kiều Trinh.

4 năm trước, trung vệ Đào Thị Miện (sinh năm 1980) từng bước lên bục cao nhất nhận danh hiệu Quả bóng vàng nữ. Đấy là thời điểm thăng hoa nhất trong sự nghiệp của Miện nhưng người đội trưởng tận tụy ấy vẫn hết mình vì bóng đá nữ Việt Nam. Nhiều khi tưởng treo giày nhưng Miện đã ở lại để cùng các đồng đội, các thế hệ sau để giữ cho bóng đá Việt Nam vững vàng ở vị thế số 1 Đông Nam Á.

Đào Thị Miện. Ảnh: D.PHƯƠNG

Đào Thị Miện. Ảnh: D.PHƯƠNG

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục