Có một chi tiết đáng chú ý: Đa số các vụ tiêu cực của bóng đá Việt Nam bị phát hiện “nóng” đều liên quan đến các cầu thủ U23. Điều này tự thân nói lên rất nhiều vấn đề của bóng đá Việt Nam mà nếu không xem xét kỹ, hệ lụy của nó thật khôn lường.
Trẻ người, non dạ?
Từ vụ tiêu cực ở JVC Cup 2003 đến SEA Games 2005 rồi bây giờ là đội V.Ninh Bình, thành phần cầu thủ chiếm đa số đều ở độ tuổi U23. Thậm chí chúng ta có thể kể thêm vụ lùm xùm ở SEA Games 2001 liên quan tới trung vệ Nguyễn Quốc Trung hay trận chung kết SEA Games 2009 mà Calisto nổi điên với các cầu thủ, hoặc mới đây nhất là những nghi ngờ tại vòng đấu bảng SEA Games 2011, 2013…
Điểm chung của các vụ tiêu cực này đó là những chứng cớ khá lộ, qua đó cũng xác định nhanh hành vi tiêu cực. Ví dụ như vụ dàn xếp tỷ số động trời tại SEA Games 2005 được phát hiện dễ dàng do cầu thủ rủ rê nhau đại trà, tương tự như vụ việc tại V.Ninh Bình hiện thời. Đứng ở góc độ tâm lý thì đây cũng là điều dễ hiểu bởi với tuổi đời còn trẻ, cầu thủ không đủ kinh nghiệm để “làm kín”.
Còn đứng ở góc độ “tội phạm học” thì tuổi trẻ dễ mắc sai lầm, dễ bị dẫn dụ, dễ sa ngã trước những món lợi lớn hoặc suy nghĩ đơn giản về hậu quả và làm điều sai với những lý do hết sức đơn giản. Cách giải thích “thắng 1-0 cũng là thắng” mà các cầu thủ “nhúng chàm” tại SEA Gams 2005 nói về việc mình bán độ là minh chứng. Hoặc mới đây, việc cầu thủ đội U23 cố tình đá hòa để vào bán kết BTV Cup 2013 cũng là một ví dụ.
Vì điều này, hiện có dư luận cho rằng nên giảm nhẹ hình phạt đối với vụ việc tại V.Ninh Bình.

Tiền vệ Trần Mạnh Dũng (phải) trong màu áo U23 Việt Nam thi đấu ở SEA Games vừa qua. Ảnh: Dũng Phương
Vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân
Giải thích theo kiểu “trẻ người, non dạ” không hẳn là thiếu cơ sở nhưng thực tế lại cho thấy, đấy chỉ là phần nổi của tảng băng tiêu cực đang tàn phá bóng đá Việt Nam.
Cầu thủ ở độ tuổi U23 đúng là trẻ nhưng không thể gọi là non nớt. Trên sân cỏ, họ biết “đá láo”, “đá xấu”, học cách chơi tiểu xảo ngay từ khi bước chân lên đội 1. Họ đã nhận lương vài chục triệu mỗi tháng và sẵn sàng đặt cược lên đến cả trăm triệu mỗi người thì không thể xem họ là “trẻ con” được.
Có thể ý thức chuyên nghiệp hay năng lực văn hóa của cầu thủ Việt Nam vẫn yếu nhưng chúng tôi tin, ai trong số họ cũng hiểu rất rõ “cá độ” hay “bán độ” là như thế nào, hậu quả ra sao với gần chục năm học và đá bóng.
Nói cách khác, vì ‘trẻ người, non dạ” nên cách thức thực hiện hành vi tiêu cực không kín đáo, mưu mô như các cầu thủ đàn anh nhưng chắc chắn, họ không hề “non nớt” khi chủ động thực hiện điều đó.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là mọi lỗi lầm đều trút hết lên đầu cầu thủ. Ở cái tuổi rất trẻ như vậy, họ vẫn thực hiện hành vi tiêu cực một cách rành rẽ cho thấy môi trường của bóng đá Việt Nam đã “dạy” họ làm điều sai khi còn quá trẻ. “Gần mực thì đen…”, để các cầu thủ trẻ như vậy bán độ thì cần phải quy trách nhiệm cho cả làng cầu này.
Cầu thủ trẻ biết đánh độ nghĩa là cầu thủ lớn tuổi còn chơi lớn hơn, tinh vi hơn và có tính hệ thống hơn. Họ phải biết chơi cá độ từ trước thì mới dám bán độ sau này. Bán độ hồi còn trẻ không bị phát hiện thì khi trưởng thành hơn, còn “bán” lớn hơn, quy mô hơn.
Người lớn đã dạy, đã dung dưỡng thậm chí biết mà còn làm ngơ nên cầu thủ trẻ rất dễ “nhúng chàm”. Có một thực tế là cá độ đang tràn lan trong giới cầu thủ và việc một cầu thủ nào đó chưa từng cá độ bóng đá quốc tế trở thành một chuyện vô cùng hiếm.
Với một nền bóng đá mà mới ở độ tuổi U23 đã làm chuyện tày đình như thế này, còn gì ngoài việc xóa hết làm lại mới mong có một làng cầu trong sạch?
Đăng Linh