Mới đây, nghe những người làm điền kinh TPHCM than thở rằng kế hoạch đưa VĐV tài năng Lê Tú Chinh ra nước ngoài tập luyện để nâng cao trình độ vẫn chưa thực hiện, dù chuyện này đã được bàn thảo nhiều lần, mà thấy hồi hộp thay cho môn thể thao trọng điểm của thành phố.
Trong nỗ lực tìm lại danh tiếng của mình, điền kinh TPHCM đã gắng hết tâm sức để thay đổi theo chiều hướng tích cực, và Tú Chinh chính là “sản phẩm” được đào tạo bài bản, căn cơ dựa trên tố chất đặc biệt của cô, cũng đã gặt hái không ít thành công ở các giải đấu trong nước lẫn quốc tế.
Gần đây, Tú Chinh đoạt HCV cự ly 200m nữ trẻ châu Á và luôn có tên trong tốp đầu của điền kinh trẻ khu vực cũng như châu lục, được đánh giá là có triển vọng nhất sau thời của “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương. Thông số thời gian đoạt HCV 200m nữ trẻ của Tú Chinh đang là 23 giây 94, rất gần với nhóm tranh chấp huy chương ở đấu trường SEA Games (khoảng 23 giây 90), cũng cách không quá xa nhóm đoạt huy chương ở Asiad (23 giây 45). Đây chính là lý do, điền kinh TPHCM và ngành TDTT thành phố đã tính đến kế hoạch đưa cô sang tập huấn ở Mỹ, cùng CLB mà 2 tuyển thủ Quách Công Lịch và Quách Thị Lan đang được đầu tư cho tương lai.
Nếu tính kỹ thiệt hơn thì đúng là VĐV 19 tuổi này cần xuất ngoại để phát triển ở một môi trường đào tạo tốt và chuyên nghiệp hơn. Mỗi tháng, ước tính kinh phí đầu tư cho Tú Chinh vào khoảng 4.000-5.000 USD, tương đương với những gì mà Lan và Lịch đang hưởng từ ngành TDTT Thanh Hóa và Tổng cục TDTT. Nghe có vẻ nhiều, nhưng để một VĐV tiềm năng như Tú Chinh phát huy hết sở học, chẳng phải là quá to tát. Hơn nữa, trong bối cảnh điền kinh ngày càng phát triển về trình độ lẫn thành tích, thì khoản đầu tư hơn 1 tỷ đồng/năm cho VĐV thậm chí còn bị xem là khá khiêm tốn.
Ở môn bơi lội, 2 gương mặt tài năng Nguyễn Thị Ánh Viên (Quân đội) và Nguyễn Diệp Phương Trâm (TPHCM) mỗi năm “ngốn” đến 2 tỷ đồng/người cho kinh phí tập huấn dài hạn tại Mỹ. Đổi lại, cả hai đã khẳng định được năng lực của mình, gặt hái không ít thành công trên đấu trường quốc tế, tiêu biểu là các suất dự tranh Olympic 2016 của Ánh Viên.
Có thể, cái khó trong chuyện đầu tư cho VĐV Lê Tú Chinh nằm ở cơ chế và tìm nguồn kinh phí ngoài ngành, nhưng nếu chứng minh được khả năng phát triển của VĐV này, chắc chắn ngành TDTT TPHCM cũng sẽ giải được bài toán cho mình. Vấn đề là tất cả có cùng chung tay để cùng thực hiện hay không mà thôi, để tài năng không mất đi cơ hội phát triển và bị bỏ uổng một cách đáng tiếc.
Trước đây, thể thao TPHCM từng có chương trình Thế hệ vàng, dành để thúc đẩy sự phát triển của những môn trọng điểm như điền kinh, bơi lội, bóng bàn, cầu lông… có điều chưa thực sự thành công trọn vẹn. Nhưng giờ đây, khi đã chọn cho mình hướng đi đầu tư tập trung cho những VĐV giỏi, có khả năng phát triển đến tầm châu lục, thế giới, không đến mức quá khó để xây dựng một kế hoạch hoàn chỉnh và xác lập độ tin cậy cao, với hy vọng tìm thêm được nhà tài trợ chống lưng, giống như hãng sữa Nutifood đang bảo trợ cho Nguyễn Diệp Phương Trâm.
Sự nghiệp thể thao không thể một sớm một chiều là thành công ngay được, nhưng với vị thế và tiềm năng của TPHCM, thiết nghĩ trường hợp của VĐV Lê Tú Chinh cần được xem xét một cách nghiêm túc, sớm tạo điều kiện để cô có được cơ hội tiếp cận môi trường đào tạo chuyên nghiệp.
LÊ HÙNG