Theo Tổng cục TDTT, Đoàn thể thao Việt Nam đến Philippines tranh tài sẽ có 856 thành viên, trong đó 650 thành viên được hưởng các chế độ theo quy định nhà nước, còn hơn 200 thành viên phải tự túc kinh phí đến Philippines nhưng vẫn nằm trong danh sách Đoàn thể thao Việt Nam, bao gồm các chuyên gia, HLV và VĐV một số môn như judo, đấu kiếm, cầu lông, Aerobic, rowing, bóng ném, taekwondo… được các địa phương, thành hay ngành đưa đi với mục đích cọ xát và chuẩn bị cho tương lai.
Trưởng đoàn thể thao Việt Nam là ông Trần Đức Phấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT), 2 phó đoàn là các ông Nguyễn Trọng Hổ (Vụ trưởng Vụ TTTTC2) và Hoàng Quốc Vinh (Vụ trưởng Vụ TTTTC1).
12 đội tuyển gồm eSports, bóng rổ, 3 môn phối hợp, sambo, bowling, golf, kickboxing, dance sports, kurash, arnis, muay, jujitsu mặc dù tự chủ kinh phí (tiền vé máy bay, tiền ăn, ở, tiền visa, tiền di chuyển tại Philippines, tiền tiêu vặt, trang phục trình diễn, trang thiết bị, dụng cụ thi đấu và các khoản chi khác trong thời gian tham dự Đại hội), nhưng vẫn được đánh giá là có tiềm năng lớn về thành tích, đặc biệt là ở các môn eSport (thể thao điện tử), kurash, muay, jujitsu hay arnis, có thể giúp Đoàn thể thao Việt Nam giành được những tấm HCV bất ngờ.
Ở đội tuyển TDDC, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, VĐV Phạm Phước Hưng (người có các động tác khó được Liên đoàn thể dục thế giới công nhận và đặt tên, đưa vào chương trình thi đấu) không có tên trong thành phần đến Philippines. Khả năng tranh chấp huy chương được đặt lên vai các tuyển thủ Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành, Đỗ Thị Vân Anh…
Trong khi đó, sau thất bại liên tiếp ở 2 vòng đấu giải tứ hùng Đông Nam Á, đội tuyển bóng chuyền nữ mặc dù đã niêm yết danh sách các tuyển thủ đến Philippines nhưng vẫn chờ được bổ sung và thay thế một số VĐV giàu kinh nghiệm như Nguyễn Thị Xuân, Đỗ Thị Minh, Hà Thị Hoa, Đinh Thị Trà Giang… nhằm giúp củng cố lại lực lượng và có thể hoàn thành chỉ tiêu bảo vệ tấm HCĐ giành được ở kỳ đại hội 2 năm trước.
Tất nhiên, nói như ông Lê Trí Trường (Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, cũng là Trưởng đoàn bóng chuyền nam tại SEA Games 30), cần có thêm thời gian để HLV Thái Quang Lai thể hiện năng lực của bản thân. Liên đoàn tôn trọng quyết định chọn thành phần Ban huấn luyện cũng như lực lượng VĐV của ông Lai, và thành công hay thất bại ở đấu trường SEA Games 30 sẽ là câu trả lời chính xác nhất.
Cũng chưa biết chừng, vị HLV mới chỉ chập chững làm quen với môi trường bóng chuyền đỉnh cao ở Việt Nam lại làm nên chuyện lớn trong cuộc đua ở khu vực Đông Nam Á vốn dĩ lâu nay đang do Thái Lan và Indonesia kiểm soát cái đỉnh cao nhất.