VĐV tập luyện với cường độ cao, nhưng dinh dưỡng lại cung cấp không đủ sẽ dẫn đến tình trạng không đáp ứng được khối lượng và cường độ huấn luyện. Tuy nhiên ăn thế nào là đủ và đúng, kiểm soát được lượng chất đưa vào cơ thể VĐV thì vẫn là bài toán đặt ra cho những người làm công tác huấn luyện. Bởi nếu tính riêng ở TPHCM, mô hình bếp ăn cho VĐV kết hợp chuyên gia dinh dưỡng có lẽ vẫn đang hạn chế.
Vào đầu năm 2021, được sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo thành phố, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) TPHCM đã phát triển được 2 bếp ăn cho VĐV đặt tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM (quận 11) và tại Trung tâm HLTTQG TPHCM (TP Thủ Đức). Tại đây, đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng của trung tâm kết hợp với các đầu bếp của công ty dịch vụ nấu ăn để xây dựng thực đơn phù hợp cho từng đối tượng VĐV, từng đội tuyển. Các tuyển thủ có 4 buổi ăn: sáng, trưa, xế, tối, mà thực đơn trong mỗi bữa được thay đổi liên tục để không gây cảm giác chán và giúp VĐV có được chế độ dinh dưỡng tốt nhất.
Nhưng đa phần những đội tuyển đang “đóng quân” tại trung tâm có mô hình bếp ăn sẽ dùng bữa tại đây, vậy với các VĐV khác thì sao? “Do địa điểm tập luyện của đội không có nhà ăn nên chúng tôi thường đặt đồ ăn trên các ứng dụng giao hàng cho bữa trưa, còn đến tối là về nhà dùng bữa cùng gia đình”, một VĐV thuộc đội tuyển cầu lông TPHCM cho hay.
Theo anh Đặng Anh Đăng – Trưởng bộ môn cầu lông TPHCM cho hay, trong quá trình đào tạo chuyên nghiệp, thể thao TPHCM nên phát triển hơn nữa việc có chuyên gia dinh dưỡng nghiên cứu khẩu phần ăn cho VĐV, hay có bác sĩ theo dõi việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng cho tuyển thủ để xem xét những tác dụng lên cơ thể cũng như có tác dụng phụ ảnh hưởng đến quá trình tập luyện của VĐV hay không. Từ đây, tập cho VĐV có thói quen hỏi ý kiến bác sĩ, chuyên gia, nhà chuyên môn trước khi sử dụng gì, đừng nghĩ sau một cuộc thi thì bản thân có thể “xõa” ăn uống một bữa tùy thích hay mắc cảm nhẹ thì chạy ra hiệu thuốc tự mua một liều mà trị.