Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng ngay sau trận thua đã tuyên bố trên báo chí là sẽ nhờ công an điều tra liệu có hay không chuyện bán độ. Chúng ta đương nhiên ai cũng thấy thất vọng về thất bại trước Malaysia, thế nhưng phản ứng của ông Chủ tịch VFF thật không xứng tầm với ngay chính thất bại đó.
Điều tra ai?
Theo bạn, nếu các cầu thủ Việt Nam tổ chức bán độ, họ có làm đơn lẻ một mình không? Họ sẽ làm điều đó ở đâu khi mà từ Malaysia về Việt Nam, toàn bộ đội bóng đều trong tình trạng tập trung.
Trước giải đấu, AFF đã khuyến cáo các đội bóng về khả năng những trận đấu có thể bị vòi bạch tuột của giới cá độ can thiệp. Đội tuyển Việt Nam cũng có nhân viên an ninh đi kèm và VFF cũng đã đề nghị C45 hỗ trợ tối đa việc chống tiêu cực. Nói cách khác, đội tuyển Việt Nam luôn ở trong tình trạng bị giám sát từ bên trong và ở thời đại công nghệ này, một khi cơ quan an ninh đã tiến hành theo dõi, làm thế nào để qua mắt?
Thế nên, khi ông chủ tịch cho biết “sẽ đề nghị cơ quan công an điều tra” thì hóa ra, suốt thời gian qua VFF lơ là công tác giám sát của đội tuyển à? Hóa ra, việc cử cán bộ an ninh theo đội là không hiệu quả hoặc không làm việc ư? Tại sao việc phòng tránh tiêu cực luôn được ưu tiên lại không hoàn thành nhiệm vụ, lại để xảy ra chuyện rồi mới tiến hành?
Chúng tôi rất tâm đắc với ý kiến của HLV Lê Thụy Hải: Nơi đáng bị điều tra chính là…VFF. Chuyện có điều tra hay không là công tác của cơ quan công an, việc của VFF là ngăn ngừa, giám sát để đừng xảy ra tiêu cực. Chưa tự nhận thấy trách nhiệm của mình, vội vã nhờ công an can thiệp sau khi sự việc đã xảy ra. Không ai trong chúng ta muốn biết có ai đó trong đội bóng của Miura đã bán độ, tuy nhiên, kể cả khi thực sự có chuyện đó, thì trách nhiệm của VFF mới là đáng bị điều tra nhất.
Điều tra cái gì?
Một thất bại, dù là có nhiều biểu hiện bất thường, thì việc đầu tiên là phải mổ xẻ công tác chuyên môn, những tình huống cụ thể trong trận đấu. Nếu HLV ra đấu pháp một đằng mà cầu thủ đá một nẻo, thì mới bắt đầu nghi ngờ tiêu cực. Đằng này, chưa gì hết thì ngay sau trận đấu, ông chủ tịch đã thông báo điều tra bán độ. Căn cứ mà ông chủ tịch đưa ra là lấy từ… trận lượt đi. Tức là đang đá tốt, tại sao lại đá không tốt?
Trong khi đó, giới chuyên môn đều cho rằng, đây là trận đấu thất bại của Việt Nam về công tác chuẩn bị tâm lý và các sai sót của cầu thủ trong hàng phòng ngự thật ra cũng chỉ tái hiện những gì xảy ra trước đó, đặc biệt ở trận hòa Indonesia. Cách chúng ta để thủng lưới gần giống nhau, khác biệt chủ yếu đến từ Malaysia, đội bóng nguy hiểm hơn Indonesia về khả năng gây sức ép và tận dụng cơ hội.
Tất nhiên, chúng ta cũng không loại trừ yếu tố tiêu cực (tức là bán độ). Thế nhưng, xét trên các đặc tính thuần túy của thị trường cá độ thì khả năng các cầu thủ Việt Nam “làm độ” trận này không có nhiều lô-gích.
Trước trận đấu này, tỷ lệ kèo quốc tế “cho” Việt Nam “chấp” đến 1 trái, kèo “tài - xỉu” chỉ là 2,5 bàn. Đây là các tỷ lệ rất bình thường dựa trên tính chất căng thẳng của trận đấu và năng lực của 2 đội. Với tỷ lệ kèo này, kể cả khi cầu thủ Việt Nam “làm độ” để đội nhà thua thì chỉ cần thủng lưới 1 bàn hoặc thậm chí là tỷ số hòa là có thể vừa “hoàn thành nhiệm vụ” mà vẫn bảo đảm Việt Nam vào chung kết. Đằng này, ngay sau hiệp một, tỷ số đã là 4-1 và các bàn thua hết sức thô thiển. Ở trình độ tuyển thủ quốc gia, chẳng cầu thủ nào “làm độ” hớ hênh, dễ bị nghi ngờ đến thế, nhất là sau 2 vụ tiêu cực bị phanh phui tại V-League cách đây không lâu.
Tóm lại, nếu thực sự có chuyện “bán độ” như nghi ngờ của ông Chủ tịch VFF thì rõ ràng, hoặc là tiêu cực đã là căn bệnh nan y hoặc VFF quá kém cỏi trong việc phòng, chống tiêu cực.
Hồ Việt
Tiêu cực từ trong suy nghĩ
HLV Miura đã đứng “chết lặng” sau trận đấu trong khi các cầu thủ của ông nhiều người đã khóc nức nở ngay trên sân. Tại buổi họp báo, HLV Miura dù nhận toàn bộ trách nhiệm, tuy nhiên ông thừa nhận “tôi không biết điều gì đã xảy ra trong hiệp một. Tôi không biết vì sao các cầu thủ lại mắc quá nhiều sai lầm rất ngây thơ như vậy”.
Ngay sau trận đấu, Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng vội vã tuyên bố sẽ nhờ cơ quan công an điều tra khả năng bán độ. Theo chúng tôi, đây là những hành động không cần thiết, thậm chí mang tính chất “đánh bùn sang ao”, vừa không nên, vừa không hay. Điều đó cho thấy, chính VFF cũng không hề tin các biện pháp mạnh tay chống tiêu cực tại V-League trước đó có hiệu quả nên đội tuyển vừa thua trận, lại nghi ngờ.

Con số cuối cùng của trận đấu đã làm tan vỡ mọi hy vọng của người hâm mộ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hùng
Đấy là chưa nói, nguyên nhân của thất bại nặng nề trước Malaysia có phần trách nhiệm của VFF. Trong chiến dịch “nói không với tiêu cực”, lãnh đạo VFF từng tuyên bố sẽ không treo thưởng cho các đội tuyển và họ đã áp dụng chặt chẽ với đội U19. Thế mà chỉ sau khi thắng Malaysia trên sân khách, VFF lại thưởng đến 2 tỷ đồng (trước đó đã thưởng 1 tỷ sau khi đứng đầu bảng) và hứa hẹn nếu thắng sẽ thưởng to. Như vậy, chính VFF đã khiến các cầu thủ “bay bổng”, đánh mất sự tập trung khi mà vẫn còn đến một trận lượt về chưa thi đấu.
Có thể nói, nếu thất bại trước Malaysia xuất phát từ tiêu cực thì đó là thứ tiêu cực từ trong suy nghĩ của cầu thủ và cả quan chức VFF chứ không hẳn là do bán độ. Sự chủ quan, cảm giác thỏa mãn đã xuất hiện quá sớm dù trước đó, đội tuyển Việt Nam chơi rất tốt khi họ đóng vai trò của “những người bỏ đi”.
Việt Long