Năm nay 34 tuổi, Kipchoge đang là niềm hy vọng lớn lao của con người nói chung trong chuyến hành trình “chinh phục những giới hạn”. Sau khi “Vua tốc độ” Usain Bolt đã giải nghệ và để lại những KLTG trên đường chạy nước rút mà giới khoa học dự báo rằng, phải rất, rất nhiều năm sau, mới có người phá bỏ được các cột mốc này, dựa trên sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật và cả những biến đổi về gen sức khỏe của con người, Kipchoge bắt đầu tạo ra những đột phá ở cự ly chạy dài nhất trong môn điền kinh - chạy marathon.
Ở Olympic Rio de Janeiro hồi 3 năm về trước, Kipchoge giành được tấm HCV đẳng cấp VĐTG - Thế vận hội đầu tiên, khi giành chiến thắng ở cự ly chạy marathon với thành tích 2 giờ 8 phút 44 giây. Kể từ đó trở đi, cái tên của người đàn ông bền bỉ quê ở Kapsisiywa mới bắt đầu nhận được sự chú ý “cấp toàn cầu”, dù là trước đó anh đã từng vô địch các giải Chicago Marathon, Berlin Marathon hay London Marathon trong các năm 2014 và 2015.
Với thành tích 2 giờ 3 phút 5 giây tại giải London Marathon 2016, Kipchoge bắt đầu tự tin nghĩ đến việc chinh phục cột mốc 2 tiếng đồng hồ ở cự ly 42,195 kilomet. Đến năm 2017, Kipchoge tham gia vào dự án Breaking2 của Nike, khi cùng với 2 VĐV chạy marathon khét tiếng là Lelisa Desisa (Ethiopia, vừa giành được tấm HCV ở giải điền kinh thế giới tại Doha) và Zersenay Tadese (của Eritrea) chinh phục cột mốc 2 tiếng đồng hồ ở cự ly marathon tại đường chạy ở đường đua Autodromo Nazionale Monza (Italia, đường đua xe F1).
Kipchoge, cùng với Desisa và Tadese, dưới sự hỗ trợ của khoảng 30 VĐV khác mà Nike mời đến cùng tham gia dự án (như Andrew Bumbalough, Sam Chelanga, Chris Derrick, Bernard Lagat, và Lopez Lomong), đã rất nỗ lực, nhưng cả 3 đều thất bại với mục tiêu chạy dưới 2 tiếng đồng hồ. Kipchoge là người tiến gần đến cột mốc này nhất, khi hoàn thành 7 vòng chạy tại Autodromo Nazionale Monza với thành tích 2 giờ 0 phút 25 giây. Tadese giành vị trí thứ 2 với thành tích 2 giờ 6 phút 51 giây, còn Desisa chỉ về đích thứ 3 với thành tích 2 giờ 14 phút 10 giây.
Tất nhiên, dù chạy với thành tích “phá rất sâu” KLTG ở thời điểm bấy giờ, thời gian chinh phục quãng đường chạy marathon của Kipchoge vẫn không được Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) công nhận, do không tương thích với các tiêu chuẩn của IAAF. Trái lại, nó chỉ gói gọn trong dự án Breaking2 của Nike và là một trong những nỗ lực đầu tiên của con người để phá bỏ các cột mốc ở cự ly chạy dài nhất trong môn điền kinh.
Sau nỗ lực này, Kipchoge tiếp tục khiến cả thế giới chấn động khi liên tục đạt những thành tích ấn tượng ở cự ly chạy 42,195 kilomet - đạt thành tích 2 giờ 2 phút 32 giây ở Berlin Marathon 2017, phá KLTG với thành tích 2 giờ 1 phút 39 giây ở Berlin Marathon 2018 và mới đây, phá kỷ lục giải London Marathon với thành tích 2 giờ 2 phút 37 giây hồi tháng 4. Đây chính là cơ sở để Kipchoge tự tin hướng đến mục tiêu chạy dưới 2 tiếng đồng hồ lần thứ 2 dưới sự hỗ trợ của Tập đoàn hóa dầu Anh quốc INEOS (ông chủ là Sir Jim Ratcliffe, chủ sở hữu của đội đua xe đạp Ineos hùng mạnh).
Kipchoge tự tin cho biết, khi mà “giờ xuất phát” đã rất cận kề: “Tôi chạy để làm nên lịch sử. Tôi chạy chỉ để chứng minh rằng, không có giới hạn nào cả, giới hạn dành cho con người là… vô giới hạn. Đường chạy là tốt cực kỳ. Tôi cảm thấy được chuẩn bị nhiều hơn (chắc là so với sự chuẩn bị ở nỗ lực Breaking2 hồi năm 2017?) và tôi đang rất tự tin. Nó không phải là thứ suy nghĩ rằng, “Tôi sẽ làm điều đó như thế nào?”. Tôi đã nỗ lực ở lần đầu tiên và ở lần thứ 2, tôi sẽ thực hiện chuyện này”.
Ngày mai, theo giờ địa phương, Kipchoge sẽ chạy 4,4 vòng quanh Đại lộ Hauptallee (mỗi vòng dài hơn 9,5 km), cùng với 41 VĐV hỗ trợ. Bầu không khí ở Công viên Prater (Vianne) được đánh giá là trong lành và mát mẻ, thích hợp cho thể lực của VĐV nổi danh người Kenya khi anh này nỗ lực phá bỏ cột mốc 2 tiếng đồng hồ ở cự ly chạy marathon. Lộ trình đường chạy cũng rất bằng phẳng với độ nghiêng thấp. Đó sẽ là những “trợ lực” để Kipchoge đánh phá một trong các mục tiêu của con người nói chung, nhưng đương nhiên, nó sẽ không phải là KLTG, dù là một thành tích dưới 2 tiếng đồng hồ.
“Lần chạy ở Berlin (và phá KLTG hồi năm ngoái) và lần nỗ lực này ở Vienna là 2 thứ hoàn toàn khác nhau”, Kipchoge nhận xét, “Ở Berlin là chạy và phá KLTG, còn ở Vienna, đó là chạy và làm nên lịch sử, giống như con người đầu tiên đi bộ trên mặt trăng. Tôi sẽ cố gắng duy trì sự bình tĩnh càng nhiều càng tốt".