Đầu ra cho VĐV - Lại chuyện thiếu tiền

Khi kỳ thủ Lê Quang Liêm vừa đem vinh quang về cho đất nước, vừa kiếm được một khoản thu nhập lớn, ai cũng ngạc nhiên: Hóa ra làm VĐV đỉnh cao cũng đâu có nghèo! Thế nhưng, để được như Quang Liêm lại là cả một bài toán hóc búa đối với những nhà quản lý thể thao.
Đầu ra cho VĐV - Lại chuyện thiếu tiền

Khi kỳ thủ Lê Quang Liêm vừa đem vinh quang về cho đất nước, vừa kiếm được một khoản thu nhập lớn, ai cũng ngạc nhiên: Hóa ra làm VĐV đỉnh cao cũng đâu có nghèo! Thế nhưng, để được như Quang Liêm lại là cả một bài toán hóc búa đối với những nhà quản lý thể thao.

Thực tế là cả nền thể thao Việt Nam không phải nơi nào cũng làm một cách căn cơ như Học viện đào tạo bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Tại đây, các em nhỏ được học văn hóa, còn chuyện tập luyện là ngoài giờ học. Hơn thế, với sự bảo đảm về chuyên môn của CLB Arsenal, đầu ra của cầu thủ tại đây đã được bảo chứng có giá trị. Với một nền tảng kiến thức đúng tiêu chuẩn và chất lượng đào tạo cao cấp, có thể nói những cầu thủ nhí của Học viện Hoàng Anh Gia Lai hoàn toàn yên tâm với tương lai của mình.

Trường hợp kiếm được nhiều tiền mà vẫn đảm bảo chuyện học hành như Lê Quang Liêm là rất hiếm. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Trường hợp kiếm được nhiều tiền mà vẫn đảm bảo chuyện học hành như Lê Quang Liêm là rất hiếm. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Không phải vô lý khi các nhà làm chuyên môn luôn mong những liên đoàn thể thao tập trung vào nhiệm vụ kiếm tiền chứ đừng can thiệp sâu vào quá trình thi đấu. VĐV chỉ có thể có tiền thưởng nếu họ được thi đấu thường xuyên. Giải càng lớn, càng nhiều tiền tài trợ, thu nhập càng cao. Rồi các khoản thuê HLV giỏi, kể cả chuyên gia nước ngoài, rồi tiền tài trợ của các mạnh thường quân cho những chuyến du đấu, tập huấn. Tất cả đều trông cậy vào tài tháo vát của liên đoàn.

Trong làng thể thao TPHCM, dường như chỉ có tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh là có thể kiếm tiền nhờ thi đấu liên tục, các VĐV đỉnh cao khác chỉ chờ những chính sách từ cơ quan quản lý là Sở VH-TT-DL. Mới đây, có chương trình “tiếp sức vô địch” do một công ty tiếp thị thể thao phối hợp với sở thực hiện nhằm tạo điều kiện cho VĐV có thành tích mua nhà, xe hay các vật dụng điện tử. Tuy nhiên, chương trình này chỉ là một dạng mua hàng trả góp, có chút hỗ trợ nhỏ về thủ tục chứ trên thực tế VĐV vẫn phải bỏ tiền túi ra. Câu chuyện Phạm Văn Mách thi đấu cho TPHCM gần chục năm nay mà đến giờ vẫn chưa có nhà để ở là thực trạng buồn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay thu nhập của các VĐV cũng đang bị cào bằng, gây nhiều bức xúc. Tiền thưởng và trợ cấp thu nhập được tính theo huy chương nhưng lại không phân biệt chất lượng thành tích. Có những môn dễ đoạt huy chương quốc tế vì thiếu cạnh tranh lại được xếp ngang với những môn khó như điền kinh. Ngành thể thao vừa đề xuất lên các cấp có thẩm quyền của TP cho phép họ được quyền điều chỉnh tiền thưởng và trợ cấp linh hoạt hơn chứ không theo quy định. Đây cũng là một giải pháp giúp các VĐV chuyên tâm hơn vào tập luyện nhất là ở các môn phải mất nhiều thời gian.

Lý giải về việc tại sao không đào tạo được các thế hệ mới cho bóng chuyền TPHCM, danh thủ Lê Hồng Hải, cũng là người trực tiếp làm HLV ở trường nghiệp vụ, thừa nhận thực tế là hầu như các bậc phụ huynh đều không muốn con em mình theo nghiệp thể thao mỗi khi họ đến tuổi vào đại học. Với thành tích hiện tại của bóng chuyền TP, càng không thể thuyết phục các em đi tiếp con đường thi đấu chuyên nghiệp.

Ông Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm TDTT Tân Bình, nơi đang quản lý đội bóng chuyền nữ TP, nhắc đến một bất cập: Đa số phụ huynh sẵn sàng chi tiền để con mình luyện tập thể thao và thậm chí, cũng nghĩ đến chuyện cho con chơi chuyên nghiệp nhưng ngay tại trung tâm của anh lại thiếu HLV có đẳng cấp. Không có chuyên gia từ các bộ môn xuống theo dõi nên cũng chẳng thể duy trì việc đầu tư cho các em có năng khiếu ngoài việc thuyết phục phụ huynh đưa con em mình vào trường nghiệp vụ. Ông Sơn cho rằng, nếu được đào tạo tại từng quận vẫn tốt hơn tập trung ở trường. Tuy nhiên, cách làm như trên lại rất tốn kém nhân sự và đặc biệt là tài chính. Quay đi, quay lại vẫn là bài toán kiếm tiền mà các liên đoàn thể thao đang ngày càng trở nên bất lực.

Thúy Oanh

Tin cùng chuyên mục