Đằng sau một cuộc đua

Đằng sau một cuộc đua

Nhìn những cua rơ dũng mãnh trên đường đua, mọi người đều khâm phục vì chẳng hiểu sao họ có thể đạp xe một mạch hàng ngày gần 200km, điều mà chỉ nghĩ đến thôi nhiều người cũng đã “bỏ cuộc trong tư tưởng”. Và có ai biết, để đến với môn xe đạp, không ít tay đua đã phải hy sinh nhiều lắm...

Đằng sau một cuộc đua ảnh 1
Để đeo đuổi môn xe đạp, các tay đua đã hy sinh và đánh đổi khá nhiều cho niềm đam mê của mình.
 
  • Xe đạp mắc ngang SH

Nhiều người dân theo dõi đoàn đua trầm trồ trước những chiếc môtô to kềnh mỗi khi đoàn đua đi qua. Có mấy ai biết, những chiếc xe đạp, thứ rất quen thuộc với họ, thứ được coi là phương tiện di chuyển hạng “bèo” đang lướt qua họ với vận tốc 50km/g ấy có giá trị ngang bằng một chiếc xe máy… SH (loại xe cao cấp có giá thuộc loại cao nhất trên thị trường hiện nay).

Thật ra, đua xe đạp là môn thể thao rất tốn tiền, thậm chí khi mà đồ nghề của các cầu thủ chỉ là đôi giày có giá vài trăm USD đã là “kinh” lắm rồi, thì ở môn xe đạp, một chiếc xe “coi được” cũng có giá hơn 5.000 USD chứ chẳng ít. Còn những chiếc xe Bùi Minh Thụy đang đi, tổng giá trị chiếc xe lên đến gần 10.000 USD, một cái giá mà không phải ai cũng dám “nghĩ” đến khi nhìn chiếc xe đạp.

Thật ra, đến với môn đua xe đạp, các VĐV đều hiểu, nếu nhà không có điều kiện thì nên chuyển sang chơi môn khác như bóng bàn cho nó nhẹ gánh. Một cục gôm thắng xe có giá vài trăm USD, một cái bánh xe có giá hơn ngàn đô.... Do những linh kiện của chiếc xe mắc mỏ như thế, nên không hiếm lần người ta thấy sau khi các cua rơ va vệt vào nhau, thay vì đứng lên xem mình mẩy bị trầy trụa thế nào thì đằng này, họ lồm cồm tìm chiếc đồng hồ đo tốc độ xem bị văng ở đâu để lượm lại. Cũng vì chiếc xe quá mắc tiền lại dễ bị “bợ”, nên đi tới đâu, các VĐV cũng xin được phép đem xe lên phòng để vừa để chăm sóc lau chùi xe, vừa để “phòng gian bảo mật”.

Ở cuộc đua giải xe đạp Hội nhà báo năm trước, khách sạn Điều dưỡng tại Vũng Tàu không cho các VĐV đem xe lên phòng, và người ta đã thấy không ít VĐV dành cả thời gian để lượn lờ bên chiếc xe của mình dưới nhà xe, thay vì lên phòng nghỉ ngơi và vài cua rơ đã lén lút dùng “mưu” để đem xe lên phòng mới an tâm đi ngủ. 

  • Người chơi vui, người nhà lo

Vì mọi thứ đều quá đắt đỏ, nên hầu hết các cua rơ xe đạp đều thuộc loại “thiếu gia” trong những gia đình khá giả. Trương Nguyễn Thanh Nhân của đội BVTV Sài Gòn là một ví dụ.

Nhân là con trai một, và nhà chẳng thiếu thứ gì, nếu không muốn nói là có thể xếp vào loại khá giả nhất đội. Vậy nhưng, mẹ Nhân vì chìu con mà cố dằn lòng đành để cho Nhân thỏa niềm khát khao tung hoành trên yên ngựa sắt. Vậy nhưng, mỗi ngày Nhân lên xe đua là mỗi ngày bà hồi hộp chờ cho chặng đua kết thúc chỉ để gọi điện hỏi thăm xem con mình thế nào. Cứ mỗi lần nghe tin có tay đua nào chấn thương, hoặc chặng nào đường xấu là bà cứ lo cuống cả lên. Vì lo nên bà gọi điện thoại cho Nhân mỗi khi có thể, khiến anh chàng bị đồng đội chọc ghẹo, nên nhiều khi thấy số điện thoại của mẹ, Nhân chỉ còn cách chạy vụt ra khỏi phòng để nghe, hoặc giả vờ ngủ. Không gọi được cho Nhân, nên HLV Đỗ Thành Đạt bỗng có thêm nhiệm vụ bất đắc dĩ là “hồi báo” tình hình hàng ngày để phụ huynh các tay đua an tâm với lời hăm he “con tui có chuyện gì là mệt á !”.

Mai Nguyễn Hưng cũng “thảm” chẳng kém gì Nhân. Mọi động tĩnh gì của Hưng đều được Nguyễn Lưu Thanh Nhân, người mà trong đội thường gọi là “giao liên A Chảy” hồi báo về cho chị của mình. Trót yêu VĐV xe đạp, lại thường thấy cảnh các tay đua ngã đến chấn thương, máu me đầm đìa nhưng vẫn ráng đạp xe về đích.

Cô bạn gái của Hưng lo lắm, dù chấp nhận đứng sau lưng Hưng trong mỗi cuộc đua và tế nhị khi không hỏi han nhiều, nhưng qua “kênh thông tin riêng” là cậu em ruột A Chảy, mọi diễn tiến “sau đường đua” đều được cô nắm tường tận. Nắm là phải, bởi mấy khi Hưng đau ốm, té ngã trầy trụa mà dám báo về nhà đâu. Hưng cũng lo lắng lắm, bởi không ít lần người nhà Hưng đã ra giá: “Nghỉ chơi xe đạp thì muốn gì cũng được” rồi là gì.

Nói như các VĐV xe đạp thì, chơi môn này người chơi vì đam mê mà vui, nhưng nỗi lo dành cho gia đình không phải nhỏ. Lúc đang chơi, gia đình phải lo lắng tài chính, rồi sau khi giải nghệ, gia đình lại phải lo giúp đỡ tìm công việc làm. Tuy nhiên, đó là còn may mắn, chứ nếu lỡ chấn thương thì người nhà chỉ còn cách chảy nước mắt vì xót con. Thế mới thấy, để có được thành tích cho bản thân và cho cả ngành thể thao của địa phương lẫn nước nhà, thì các VĐV và cả gia đình của họ đã phải hy sinh nhiều lắm!

TUẤN LONG

Tin cùng chuyên mục

Bóng đá trong nước

U23 Việt Nam thua cách biệt U23 UAE 0-4

Điều bất ngờ đã không xảy ra ở lượt trận thứ 2 của Doha Cup 2023 diễn ra vào rạng sáng ngày 26-3, các cầu thủ U23 Việt Nam đã thua tiếp trận thứ 2 trước U23 UAE với tỷ số 0-4. Trận thua đã làm các cầu thủ Việt Nam đứng cuối bảng trước khi ban tổ chức xếp lịch cho các cặp đấu ở vòng 3.

Quần vợt

Miami Open: Aryna Sabalenka sẵn sàng thách thức Ngôi số 1 thế giới của Iga Swiatek

Không tốn quá nhiều thời gian để Aryna Sabalenka xác lập mục tiêu mới nhất của mình sau khi giành được danh hiệu Grand Slam đầu tay. Dành vài ngày để ăn mừng ngôi vô địch ở Úc mở rộng hồi tháng Giêng, tay vợt nữ người Belarus nhanh chóng quay trở lại tập luyện - và tập trung cho mục tiêu mới: Ngôi số 1 thế giới...

Các môn khác

“Kẻ xóa sổ” Paulo Costa: Võ sĩ Brazil được trả lương cao nhất, gia hạn với UFC và kiếm cả triệu USD/trận đấu

Theo cô Tamara Alves, bị hôn thê của “Kẻ xóa sổ” Paulo Costa, cuối cùng thì, võ sĩ MMA khét tiếng người Brazil cũng đã gia hạn hợp đồng với UFC, qua đó, trở thành người Brazil được... trả lương cao nhất ở trong Bát giác đài. Cô Tamara, người đã tiếp quản vị trí quản lý cho Borrachinha sau khi anh này chia tay với ông bầu Wallid Ismael, cho biết, Costa nhận được hàng triệu USD/từng trận đấu với bản hợp đồng mới!