
Vẫn chưa thể định nghĩa rõ cuộc chia tay giữa VFF và ông Calisto là gì. Ông không từ chức, không bị sa thải và ở thời điểm này thì cũng chưa có cơ sở nào để cho rằng đấy là nguyên nhân chính của việc ra đi. Thành ra, phía sau cuộc chia tay này có rất nhiều điều phải suy nghĩ.
Đây là thời điểm sau AFF Cup đã 2 tháng, hai bên cũng đã họp bàn về kế hoạch trong năm 2011 và có vẻ như ông Calisto cũng bắt đầu công cuộc tìm kiếm con người cho những chiến dịch trong năm. Đùng một cái, ông nghĩ vì những hệ lụy sau khi không thể bảo vệ được chức vô địch tại AFF Cup 2010.
| ||
Có thể nói đây là lần đầu tiên VFF rơi vào hoàn cảnh mà họ hoàn toàn không chủ động được gì. Khi ông Calisto đề đạt nguyện vọng ra đi vì lý do tâm lý thì chắc chắn VFF cũng khó lòng mà giữ cái phần “xác” không “hồn” đã không còn. Cũng vì vậy, dù đến tháng 11 SEA Games mới bắt đầu, nhưng ngay lúc này, VFF đã phải “vắt chân lên cổ”.
Vì Calisto không từ chức, cũng chẳng bị sa thải nên sức ép đang nằm ở VFF. Rõ ràng, tầm như ông Calisto còn không chịu nổi những đòi hỏi của dư luận thì khó có HLV nội địa nào dám ngồi vào chiếc ghế nóng ấy.
Hơn nữa, VFF bộc lộ một khuyết điểm là không bảo vệ nổi cho ông Calisto trước những sức ép khá mơ hồ được cho là từ báo chí. Giới truyền thông thì bao giờ mà chẳng thể, luôn có những phản ứng đúng - sai, vấn đề là VFF dường như để một mình ông Calisto gánh chịu.
Thậm chí, ông Phó Chủ tịch VFF còn bóng gió trên báo chí về khả năng sa thải ông Calisto nếu không có được thành tích. Một đằng thì ông Chủ tịch ủng hộ, đằng khác thì ông phó tỏ ý nghi ngờ, làm việc với những “ông chủ” có ý tưởng trái nghịch như vậy thì thật khó mà thoải mái!
Không khó để biết rằng, ông Calisto là một trong những “lá bài chiến lược” giúp những vị trí chóp bu nhiệm kỳ 5 tái đắc cử ở nhiệm kỳ 6. Khi thấy “quân bài” không còn giữ được tính chất quan trọng thì có lẽ, người ta chuẩn bị thay thế bằng một “quân bài” khác hòng giảm bớt rủi ro.
Nhưng dù thế nào thì sự ra đi của ông Calisto đã đặt VFF vào một hoàn cảnh hết sức phức tạp. Có nguồn tin còn cho biết, sắp đến sẽ còn có màn cãi nhau to trong hệ thống lãnh đạo của Liên đoàn. Chưa biết điều đó đúng hay không nhưng chắc chắn là chuyện tìm người thay ông Calisto quả thật gian nan.

Mọi người sẽ nhớ mãi những gì ông Calisto đã làm cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hùng
| ||
Ông Calisto đi nhưng sức ép thì vẫn ở lại. Không khó để thấy VFF đang “sống” nhờ những thành tích kiểu như 30 tỷ đồng cho V-League hơn là các chiến lược mang tính dài hạn. Họ rất cần những con số, những danh vị để tránh bớt các đòi hỏi của dư luận về phát triển cả nền bóng đá. Bản thân ông Calisto ra đi cũng thế khi ông thấy người ta ít nhìn nhận thực tế, chỉ yêu cầu những điều bóng bẩy, dễ cảm nhận chứ không phải là chuyện làm thế nào để hình thành một lối chơi cho bóng đá Việt Nam.
Sự ra đi của ông Calisto là một sự giải thoát cho chính ông nhưng lại “trói” VFF vào một hoàn cảnh mà họ phải gồng lên để đối diện. Ví dụ như mục tiêu vào chung kết SEA Games giờ đây quá nặng nề bởi làm gì còn nhiều những cầu thủ trẻ xuất sắc ở V-League.
Rồi cái tiêu chí tìm HLV ngoại “am hiểu bóng đá Việt Nam” cũng không có ứng cử viên nào, nhất là khi người cũ Alfred Riedl đang êm ấm ở Indonesia. Quan trọng hơn nữa, lối chơi mà ông Calisto đã gầy dựng 3 năm qua nay có thể phải thay đổi theo một HLV mới nào đó khi mà Hội đồng HLV quốc gia vẫn cứ “hữu danh, vô thực”.
Bằng “quân bài Calisto”, VFF có một quãng thời gian chỉ biết vui vẻ để rồi khi ông này chia tay, gần như đụng chỗ nào cũng thấy thiếu hụt cả.
Tất nhiên VFF rồi cũng phải sống với việc không còn Calisto, nhưng liệu họ có can đảm “làm lại” theo đúng nghĩa đen của từ này không thì lại là chuyện khác. Cứ xem cách mà họ tuyên bố về mục tiêu HCV tại SEA Games 26 thì thành tích vẫn còn “ám ảnh” họ lắm.
Hồ Việt

Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An Võ Quốc Thắng và HLV Calisto. Ảnh: Dũng Phương.

Các CĐV nhí cũng rất hâm mộ “thầy Tô”. Ảnh: Nhật Anh
| |
| |