1. Kể từ khi thể thao nước ta hội nhập trở lại với thể thao khu vực, lần đầu tiên trong các cuộc bầu chọn vận động viên tiêu biểu hằng năm của thể thao Việt Nam, một vận động viên bơi lội dẫn đầu bảng xếp hạng. Vận động viên Nguyễn Hữu Việt đạt số điểm cao nhất một cách xứng đáng khi anh bất ngờ đem về cho Việt Nam chiếc huy chương vàng bơi lội ở cự ly 100m ếch tại SEA Games 23 sau 40 năm chờ đợi.

Bùi Thị Nhung: điền kinh Việt Nam đang bay cao.
Cuộc bầu chọn này do báo Thể dục Thể thao khởi xướng từ năm 1978, và ngay ở cuộc bầu chọn đầu tiên, điều đáng lưu ý là trong 10 vận động viên tiêu biểu đã có mặt rất đông các vận động viên môn bơi như Phạm Thị Điệp, Trần Dương Tài, Phạm Ngọc Thành và các vận động viên điền kinh như Nguyễn Quyền, Trần Thị Soa, Huỳnh Quốc Tân, Trần Thanh Vân - dĩ nhiên tinh thần bầu chọn lúc đó chỉ là dựa vào thành tích ở các cuộc thi trong nước, theo kiểu “trong nhà đóng cửa... bầu nhau”, phần khác thể thao Việt Nam lúc đó chưa phong phú và đa môn như bây giờ.
Cho đến trước khi thể thao Việt Nam tham gia trở lại cuộc tranh tài SEA Games vào năm 1989, các vận động viên điền kinh và bơi lội cũng thường có vị trí cao trong danh sách bầu chọn hằng năm như Trương Hoàng Mỹ Linh, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Trần Lan Thanh, Võ Thị Yên bên điền kinh hay Hoàng Quang Minh, Nguyễn Kiều Oanh, Nguyễn Đắc Quỳnh Anh, Quách Hoài Nam bên bơi lội.
Nhưng rõ ràng từ cái mốc 1989 trở đi, với các huy chương vàng SEA Games chói lọi của Nguyễn Quốc Cường, Đặng Thị Đông, Ngô Ngân Hà, Phạm Cao Sơn... môn bắn súng bắt đầu chiếm ưu thế trong bảng xếp hạng, đặc biệt vào những năm có SEA Games. Tiếp theo là bóng bàn với Trần Tuấn Anh, Nhan Vị Quân, Vũ Mạnh Cường, Trần Tuấn Quỳnh và bóng đá với những Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Phạm Văn Quyến, Văn Thị Thanh.
Về sau khi chúng ta phát triển thêm các môn võ vật thì hầu như điền kinh đã bị wushu, pencak silat, vật tự do, vật cổ điển, karatedo, teakwondo, judo đánh văng ra ngoài với những tượng đài Trần Quang Hạ, Cao Ngọc Phương Trinh, Trần Hiếu Ngân, Đới Đăng Hỷ, Trịnh Thị Mùi, thậm chí vận động viên Nguyễn Thúy Hiền của wushu đã độc chiếm ngôi vị đầu bảng đến 6 lần. Còn bơi lội thì hoàn toàn vắng bóng. Đó là chưa kể sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của cờ vua, thể hình. Thậm chí đến cả billiards và cầu mây cũng đủ sức lấy chỗ của điền kinh và bơi lội trong các bảng xếp hạng hằng năm. Trong khi đó, oái oăm thay, điền kinh và bơi lội chính là hai môn thể thao cơ bản của phong trào Olympic - là buồng phổi của nền thể thao của mọi dân tộc.
2. Rất may, trong khi bơi lội vẫn nằm bẹp dúm (ngoại trừ chiếc huy chương bạc 100m ếch ở SEA Games 21 của Trần Xuân Hiền), điền kinh Việt Nam đã làm một cuộc quật khởi ngoạn mục ở SEA Games 22 với 8 huy chương vàng (nhiều hơn tổng số huy chương vàng của 14 kỳ SEA Games trước đây cộng lại) với 2 kỷ lục SEA Games. Nỗi bức bối và khao khát huy chương của điền kinh đã được giải tỏa. Dù vậy, trong 10 vận động viên tiêu biểu năm đó (2003), điền kinh chỉ chiếm vỏn vẹn có 2 suất với Nguyễn Thị Tĩnh và Nguyễn Lan Anh, và dẫn đầu bảng vàng vẫn cứ là bắn súng với xạ thủ siêu đẳng Nguyễn Mạnh Tường.
Chỉ đến năm 2005 vừa qua, với kỳ tích tiếp tục giành 8 huy chương vàng trên sân khách (chưa kể những huy chương vàng bị tước vì phạm quy), trong đó có những chiếc huy chương vàng hấp dẫn bậc nhất của điền kinh như nhảy cao nam, nhảy cao nữ, chạy 100m nữ, điền kinh mới thực sự trở thành một thế lực của thể thao Việt Nam và là đối thủ đáng gờm với các bộ môn khác trong cuộc bầu chọn hằng năm. Điền kinh đã nhanh chóng lấy lại những gì đã mất: chiếm tới ba suất trong 10 vận động viên tiêu biểu - tất cả đều xếp trong 6 vận động viên có số phiếu cao nhất.
Với các thành tích ấn tượng của Bùi Thị Nhung và Vũ Thị Hương, điền kinh 2005 hoàn toàn xứng đáng đứng ở vị trí khôi nguyên nếu không đụng phải sự bùng nổ chấn động của Nguyễn Hữu Việt bên bơi lội, cũng như sự thi đấu xuất thần của thần đồng Nguyễn Ngọc Trường Sơn bên cờ vua. Nhưng biết sao được, đến chiếc huy chương vàng TDDC toàn năng không tưởng của cô bé hạt tiêu Đỗ Thị Ngân Thương còn phải xếp hạng 4, và nhàvô địch thế giới về cử tạ Hoàng Anh Tuấn còn phải chấp nhận đứng thứ 10!
Dĩ nhiên, những người có trách nhiệm với nền thể thao nước nhà lẫn người hâm mộ chưa có thể ăn ngon ngủ yên với những gì mà điền kinh và bơi lội đã đạt được nhưng dẫu sao với đà tiến bộ này, chúng ta tin rằng điền kinh đã bắt được vào đường ray và sẽ tiếp tục đi những bước thần kỳ. Còn bơi lội, cánh én Nguyễn Hữu Việt không làm nên mùa xuân, nhưng ít ra cũng là tín hiệu cho biết mùa xuân sắp tới. Tin vào điều đó, tức là tin vào một thực tại tươi sáng hơn so với những gì hiện có. Những ngày này, trời sắp vào xuân, điều đó càng đáng cho chúng ta hướng cảm xúc của mình vào những gì đẹp đẽ nhất để mà hy vọng...
CHU ĐÌNH NGẠN