Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng hồi tuần trước cho biết, đề án tổ chức đại hội được tổ soạn thảo thực hiện và sẽ sớm được lãnh đạo phê duyệt. Nhiều địa phương ở các khu vực miền Bắc, Trung, Nam đã và đang tổ chức đại hội thể dục thể thao các cấp nhằm tuyển chọn nhân tố tốt nhất cho địa phương mình trước cuộc thi đấu lớn.
Về sơ bộ, chương trình tranh tài của vòng chung kết có 34 môn, trong đó có 28 môn thuộc chương trình của Olympic, Asiad và chỉ dành 6 môn là thể thao truyền thống của Việt Nam. Thời gian tổ chức Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2018 dự tính trong tháng 11 hoặc 12 năm sau.
Bốn năm đại hội mới diễn ra một lần và kết quả tại đại hội thể dục thể thao toàn quốc là thước đo quan trọng nhất để địa phương, đơn vị được xem có thành công hay không trong đào tạo, đầu tư thể thao. Do đó, yếu tố thành tích luôn được nhà quản lý địa phương xem trọng.
Đã có ý kiến trái chiều quanh việc để chuẩn bị cho Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc 2018, rằng 1 địa phương được phép thuê, mượn VĐV của địa phương khác hay không, hay phải đào tạo con người từ đúng cơ sở của mình. Cái gốc của vấn đề là thành tích nên nhiều địa phương vẫn tìm được cách “lách luật”.
Thêm nữa, do SEA Games đã kết thúc còn Điều lệ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2018 chưa ban hành nên sẽ không có việc quy đổi thành tích huy chương của VĐV tại SEA Games cộng chung vào thành tích ở Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc 2018 - Điều này từng xảy ra trong Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2014. Lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao cho biết, sớm nhất trong tháng 10, Điều lệ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2018 mới được ban hành.