Cúp điện và chuyện bóng đá trẻ

1. Sân Bình Dương có đến 4 lần cúp điện trong một trận đấu tại vòng bán kết cúp quốc gia. Hình phạt dành cho BTC sân là cảnh cáo. Thoạt tiên, đó có vẻ là một hình phạt quá nhẹ đối với một “kỷ lục” như vậy. Nhưng với thực tế của bóng đá Việt Nam, nếu không cảnh cáo thì phạt thế nào đây?

Hãy nghĩ thử xem, 1 trận bán kết Cúp quốc gia giữa B.Bình Dương và HAGL chỉ có vài ngàn khán giả đến xem. Chi phí tổ chức là cả một gánh nặng ở một giải đấu mà các CLB còn quyết tâm tham dự đã là may mắn cho BTC giải. Đã thế, sân chỉ là của CLB thuê của địa phương, chuyện cúp điện, chắc chẳng phải là điều mà những nhà tổ chức cũng như CLB muốn. Xảy ra một sự cố hi hữu như vậy, đương nhiên là phải phạt nhưng muốn biết chính xác nên phạt ai không phải là chuyện dễ?

Cần nhiều giải đấu cho các tuyến trẻ để các cầu thủ thêm kinh nghiệm cọ xát thực tế. Ảnh: Dũng Phương

Cần nhiều giải đấu cho các tuyến trẻ để các cầu thủ thêm kinh nghiệm cọ xát thực tế. Ảnh: Dũng Phương

Đấy là một đặc thù hết sức khó chịu đối với bóng đá Việt Nam. Nó cũng chẳng khác nào việc Ninh Bình đá AFC Cup mà đến cái toilet còn không thể sửa cho đúng tiêu chuẩn quốc tế. Thứ ngay trước mắt, trong tầm tay còn không sửa nổi nói gì đến vấn đề của ông điện lực?

Bản thân công ty VPF và chính VFF biết rất rõ thế nào là những tiêu chuẩn cần thiết của hoạt động thi đấu chuyên nghiệp nhưng việc áp dụng những qui định khắt khe ấy lúc nào, quyết liệt  đến đâu lại còn phải hỏi… ý kiến của các CLB. Hoàn cảnh nó thế?!

2. VCK giải U17 quốc gia sẽ diễn ra trong 9 ngày với 8 đội bóng. Trước đó vòng loại cũng chỉ gói gọn trong 11 ngày, được thực hiện theo thể thức không khác mấy VCK. Được như vậy cũng đã là nỗ lực rất lớn của các nhà tổ chức, cụ thể là báo Bóng đá để qua đó, có thêm 1 sân chơi cho bóng đá trẻ.

Yêu cầu các CLB phải có tuyến trẻ (không phải đào tạo trẻ) nhưng cả năm, những đội trẻ này chỉ đá chưa đầy 1 tháng, vậy 11 tháng còn lại làm gì? Thế nên không có gì ngạc nhiên khi trong 8 đội dự VCK, có đến 5 đội không  thuộc về những nơi có đội dự V-League, bao gồm 3 đội không có CLB chính qui dự các giải đấu hàng đầu Việt Nam (Viettel, PVF, Bình Định). Như vậy, một giải vô địch quốc gia có ý nghĩa tương đương một đợt kiểm tra cầu thủ trẻ chứ không phải là nền tảng để xây dựng tuyến kế thừa tại các CLB chuyên nghiệp.

Điều này cũng đồng nghĩa, cái qui định buộc mỗi CLB chuyên nghiệp phải có đủ 3 tuyến trẻ là không có tính thực tế. Nếu một trung tâm đào tạo “nuôi” cầu thủ là để bán lấy tiền thì với các CLB, họ "nuôi” tuyến trẻ trước mắt là để tự cung, tự cấp. Họ rất cần các giải đấu trong năm để cầu thủ của mình được cọ xát thực tế, qua đó mới có cơ hội tuyển chọn những tài năng trẻ để đôn lên những tuyến cao hơn trước tuổi. Đá có mấy ngày, vài ba trận đấu ít ỏi, phải tài giỏi lắm thì HLV mới thấy được giá trị tương lai của cầu thủ trẻ.

Ở đâu cũng vậy, chỉ có thi đấu thường xuyên thì mới có sự phát triển về trình độ. Đến 17 tuổi là đã kết thúc quá trình đào tạo cơ bản, bắt đầu cho quá trình thi đấu thực thụ. Tiếc là tại Việt Nam, ngay đến các giải U19, U21 cũng chỉ dừng ở mức đá giải trong 1 tháng, không đủ để các tài năng có cơ hội tỏa sáng với sự ổn định về mặt phong độ.

Một lần nữa, hoàn cảnh nó thế?!

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục