Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt: Ngành thể thao sẽ đầu tư trọng điểm trong giai đoạn mới

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 70-KL/TW ngày 31-1-2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt đã có những trao đổi cùng SGGP về một số vấn đề liên quan tới việc ngành thể thao tới đây sẽ triển khai các nội dung được đưa ra tại Kết luận trên.

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt đã có những trao đổi về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Ảnh: CỤC TDTT
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt đã có những trao đổi về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Ảnh: CỤC TDTT

Phóng viên: - Xin chào Cục trưởng Đặng Hà Việt. Thể thao Việt Nam đã bước vào năm mới 2024, chúng ta sẽ bắt tay triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng thế nào, thưa ông?

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt: - Năm 2024, thể thao Việt Nam có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 70-KL/ TW, trong đó chúng tôi thấy cụ thể 4 nhiệm vụ lớn với yêu cầu quan trọng nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, các tổ chức Đảng, chính quyền đối với sự phát triển sự nghiệp thể thao và việc này sẽ lồng ghép trong những nhiệm vụ của thể thao Việt Nam ở nhiều nghị quyết, kế hoạch để phát triển kinh tế xã hội của đất nước, địa phương, đơn vị.

Vấn đề tiếp theo là nâng cao hiệu quả hiệu lực về công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt, Bộ VH-TT-DL đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển TDTT tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 và có chương trình hành động kèm theo. Về việc này, chúng tôi được biết dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm xem xét, ban hành Chiến lược thời gian tới. Vấn đề thứ ba liên quan tới chuyên môn, trong đó có thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao. Thể thao cho mọi người, chúng tôi có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục để xây dựng các chương trình về giáo dục thể chất cho học sinh, lồng ghép các nội dung để phát triển con người toàn diện. Đặc biệt là các kỹ năng sống. Ngành thể thao thông qua việc này sẽ xây dựng hệ thống thi đấu, xây dựng các kênh tuyển chọn tài năng thể thao từ các cấp học.

Ngoài ra, vấn đề thể thao thành tích cao được nhấn mạnh và ngành thể thao đang xây dựng tiêu chí tuyển chọn các VĐV tài năng, xây dựng các chương trình khung đào tạo VĐV từ năng khiếu. Hiện tại, các chương trình đào tạo còn nhiều vấn đề, chưa có sự thống nhất với địa phương nên việc đào tạo tuyển chọn VĐV khi lên tuyến trên vẫn phải điều chỉnh nhất định.

Liên quan tới ứng dụng khoa học công nghệ, ngành thể thao bắt đầu thực hiện nhưng còn hạn chế, đặc biệt trong hoạt động chuyển đổi số và sử dụng công nghệ AI đối với đào tạo huấn luyện chuyên môn. Cơ sở vật chất cho tập luyện cần đảm bảo tốt hơn. Ngành thể thao sẽ từng bước triển khai xây dựng kế hoạch cho trung hạn (giai đoạn 2026-2030) để xây dựng các trung tâm trọng điểm, hỗ trợ VĐV vươn tầm tới ASIAD, Olympic. Chúng ta đang triển khai xây dựng đề án về nhân lực của ngành, đặc biệt các môn thể thao Olympic...

Phóng viên: - Theo các nội dung tại Kết luận số 70-KL/TW, ngành thể thao sẽ ưu tiên thực hiện những nội dung nào trước tiên, thưa ông?

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt: - Các công việc liên quan tới thể thao là hoạt động thường xuyên. Chúng tôi sẽ thực hiện gồm công việc trước mắt và công việc giải quyết lâu dài. Giai đoạn hiện tại của năm 2024, ngành thể thao tập trung vấn đề liên quan tới thể thao thành tích cao. Một số nội dung quan trọng là hoạt động ứng dụng công nghệ, tập trung đầu tư khoảng 12 tới 15 môn thể thao trọng điểm nhằm xây dựng lực lượng đấu trường ASIAD, Olympic. Song song với việc đó, vấn đề dài hạn là xây dựng các chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm hướng tới ASIAD, Olympic. Hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực thể thao cũng là công tác lâu dài.

Phóng viên: - Như ông chia sẻ, việc đầu tư phát triển thể thao thành tích cao là xương sống của chúng ta, tới đây công tác này có đổi mới gì giúp thể thao Việt Nam đạt kết quả thực chất hơn tại ASIAD, Olympic?

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt: - Năm 2024, ngành thể thao đang thực hiện nhiều về chiến thuật. Tất cả mọi sự đào tạo đang dựa trên những đội tuyển đã được đầu tư, dựa trên những con người đang có. Như vậy, chúng ta có thể đạt kết quả thành tích trước mắt. Tuy nhiên, điều này sẽ không bền vững lâu dài. Ngành thể thao sẽ tập trung cho vấn đề nguồn lực, tuyển chọn, đào tạo VĐV theo các quy trình công nghệ quốc tế, có chiến lược lâu dài hướng tới các kết quả tốt hơn trong tương lai ở một quá trình dài lâu.

img-6380-7309.jpg
Thể thao Việt Nam sẽ có nhiều đầu tư đối với các đội tuyển thể thao trọng điểm của quốc gia. Ảnh: T.S

Phóng viên: - Kết luận số 70-KL/TW gợi mở một nội dung về kinh tế thể thao trong đó là phát triển thị trường thể thao thúc đẩy hợp tác công-tư khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu, đào tạo VĐV, HLV, trọng tài và cung cấp các dịch vụ thể dục, thể thao. Ông thấy điều đó như thế nào?

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt: - Vấn đề kinh tế thể thao là vấn đề lớn. Kinh tế thể thao sẽ mang lại nguồn lực lớn cho kinh tế xã hội đất nước. Đặc biệt, vấn đề sẽ phát triển thể thao vững bền. Để làm được việc này, với lĩnh vực thể thao, chúng ta vẫn thấy nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực hiện điều đó cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành. Thứ nhất, chúng tôi có sự phối hợp về phát triển công nghiệp thể thao. Vấn đề tiếp theo là các hoạt động về tổ chức sự kiện thể thao.

Ngoài ra, hoạt động thể thao cần phát triển du lịch thể thao. Ngành đã có triển khai tuy nhiên còn một số vướng mắc. Một lĩnh vực khác là thị trường về golf đang phát triển. Tuy nhiên, số lượng sân golf ở Việt Nam rất hạn chế trước tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam nên thị trường này cần được quan tâm đầu tư về chính sách du lịch golf. Vấn đề khác là xổ số thể thao, đặt cược thể thao là thị trường có sức hút mạnh và rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế thể thao nhưng phải có các chế tài, sự đảm bảo an ninh trật tự, cách quản lý tốt để tránh thất thoát về lợi nhuận.

Tin cùng chuyên mục