Vấn đề - Sự kiện

“Con ma hooligan” đã hiện hình

Trận Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn - Thanh Hóa buộc phải dừng lại ở phút 65 vì sự cố khán giả. Lần này không phải dừng mươi phút mà hơn một giờ đồng hồ vẫn không vãn hồi được trật tự nên trọng tài đành phải quyết định dừng hẳn, nhờ cảnh sát cơ động và quân cảnh buộc số khán giả quá khích phải rời sân. Đây là việc làm chẳng đặng đừng, vì Ban tổ chức không còn cách nào khác.

Một khán giả lớn tuổi trên đường rời sân đã bực dọc nói: “Con ma hooligan đã hiện hình”. Người viết chọn ngay câu nói ý nghĩa này làm nhan đề bài hôm nay.

Còn nhớ hơn 10 năm trước, khi Thanh Hóa lần đầu bước lên hạng cao nhất, họ cũng háo hức, nhiệt thành như bây giờ. Anh Đậu Hùng, Chánh văn phòng cơ quan tôi khi ấy được mời vào ban tuyên truyền, cổ động của Hội cổ động viên đội bóng, được thành lập vội vã từ Hội đồng hương Thanh Hóa. Thế là anh rủ tôi dự buổi ra mắt Hội cổ động viên được tổ chức khiêm tốn tại hội trường của Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TPHCM (số 43 Điện Biên Phủ, quận 1, TPHCM). Phần lớn hội viên nằm trong Hội đồng hương, số khác là dân ghiền bóng đá có gốc gác từ Thanh Hóa.

Mọi người gặp nhau rất vui, rất chân tình và đều thể hiện quyết tâm cổ động hết mình cho đội nhà. Năm đó, đội bóng không mạnh, không đủ sức chọi với mấy đàn anh, nên nhanh chóng dội ngược trở lại hạng dưới. Tôi còn nhớ, cổ động viên Thanh Hóa lần đó rất dễ thương. Họ buồn vì đội nhà thua, nhưng không ... quậy.

Sự cố chiều 20-5 là một vết nhơ đối với lịch sử thành lập đội bóng. Tôi tin rằng, dù cuồng nhiệt đến mấy, nhưng đại đa số cổ động viên Thanh Hóa cũng không phải là những kẻ quá khích. Đó chỉ là một số ít “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi.

Một điều dễ nhận thấy nơi ban lãnh đạo các đội bóng là mỗi khi thua trận thường đổ trách nhiệm lên đầu trọng tài, trường hợp ở trận TMN.CSG-TH vừa qua là một thí dụ. Thế nhưng, chuyên gia bóng đá người Bồ Đào Nha Henrique Calisto chứng kiến trận đấu từ đầu đến cuối thì cho rằng trọng tài ở trận này thổi công tâm và ông cũng quyết định đúng khi cho đội chủ nhà hưởng phạt đền ở phút 55.

Một thành viên trong Ban tổ chức cũng có cùng nhận định trên. Người xưa có câu: “Thắng làm vua, thua làm giặc”. Nhiều khi do sợ bị cấp trên quở trách, ngại cổ động viên nhà phê phán, nên ban lãnh đạo đội bóng thường thích đổ hết tội lên đầu trọng tài.

Đây là lần thứ hai đội Thanh Hóa gặp phải sự cố và cả hai lần đều do cổ động viên nhà gây nên. Dư luận hâm mộ bóng đá cho rằng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần nghiêm khắc hơn với đội Thanh Hóa, nhưng nên xem xét cả tình lẫn lý. Sự cố do cổ động viên gây ra, mà đặc thù bóng đá Việt Nam thì giữa đội bóng và khán giả nhà không có sự ràng buộc hay ảnh hưởng gì với nhau.

Thay vì phạt nặng đội bóng, VFF và Ban tổ chức giải nên phạt nặng khán giả, buộc đội bóng phải thi đấu trên sân không có khán giả là hay nhất. Ngoài ra, sự cố chiều 20-5 không nên bỏ “chìm xuồng”, vì đây là một vụ gây rối trật tự công cộng, có thể xử lý trách nhiệm hình sự đối với những người trực tiếp tham gia, thông qua băng ghi hình, nếu có của BTC.

Sự cố chiều 20-5 trên sân Quân khu 7 là bài học đắt giá dành cho những người làm công tác tổ chức giải, tổ chức sân và tất cả các đội bóng.

Kỳ tới: Quy hoạch cổ động viên - Tại sao không?

Phan Công

Tin cùng chuyên mục

Bóng đá trong nước

Bóng đá quốc tế