Có làm bảng tổng kết ấy không?

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã đi trọn 10 mùa giải. Đến tháng 8-2010, các đội dự V-League đã 100% đúng chuẩn chuyên nghiệp. “Chuẩn” ở đây được hiểu nôm na là phải thành lập doanh nghiệp bóng đá. Nên người ta mới thắc mắc, sau 10 năm của V-League, liệu VFF có làm bảng tổng kết “giai đoạn 1” cho mình chưa. Phải có bảng tổng kết đó mới biết “chuẩn” hay chưa “chuẩn” được.
Có làm bảng tổng kết ấy không?

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã đi trọn 10 mùa giải. Đến tháng 8-2010, các đội dự V-League đã 100% đúng chuẩn chuyên nghiệp. “Chuẩn” ở đây được hiểu nôm na là phải thành lập doanh nghiệp bóng đá. Nên người ta mới thắc mắc, sau 10 năm của V-League, liệu VFF có làm bảng tổng kết “giai đoạn 1” cho mình chưa. Phải có bảng tổng kết đó mới biết “chuẩn” hay chưa “chuẩn” được.

Nếu nói là chuyên nghiệp thì bóng đá Việt Nam chuyên nghiệp từ… khuya rồi. Cầu thủ từ trước đến nay, chỉ biết ăn, ngủ, đá bóng chứ có làm gì khác đâu. Cái khác biệt duy nhất là trước kia lãnh lương theo chế độ, nay cho phép mua cầu thủ ngoại chứ ngay cả việc chuyển nhượng cầu thủ thì trước kia cũng đã có, chỉ không thể hiện được số tiền cụ thể mà thôi.

Theo ông Phạm Ngọc Viễn, “cha đẻ” của đề án chuyên nghiệp thì bóng đá Việt Nam đang ở giai đoạn 2, tức là khai thác thương quyền của V-League nhằm tăng doanh thu tài chính. Thế nhưng, ngay cái hợp đồng “khủng” giữa Eximbank với V-League cũng chưa đến 2 triệu USD một năm trong khi ở V-League lần thứ nhất, Strata đã bao trọn gói với giá đó. Tất nhiên, khi ấy các CLB không được phép bán quảng cáo trên áo và trên sân nhưng thực tế thì đến bây giờ, 2 khoản doanh thu ấy cũng chẳng đáng là bao đối với các CLB.

Những hợp đồng nặng ký giữa các ngân hàng và Bình Dương, HA.GL thật ra chẳng liên quan gì đến V-League cả. Họ đến với các đội bóng vì cái tên CLB, vì mối quan hệ làm ăn với chủ sở hữu CLB. Bên cạnh đó, tiền bản quyền truyền hình chỉ là chút “hương, hoa”. Các nguồn thu khác hầu như không có. Khắt khe mà nói, việc khai thác thương quyền V-League cũng chỉ là một cái đích còn rất xa.

Muốn biết thương quyền V-League có giá trị cỡ nào, xin đừng nhìn vào 30 tỷ tài trợ của Eximbank vì thực chất số tiền ấy nhiều hay ít xin hỏi ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch tài chính kiêm Chủ tịch HĐQT của ngân hàng ấy. “Giá” của V-League nằm ở số khán giả đến sân, số  lượng thống kê người xem bóng đá trên truyền hình, tiền bản quyền truyền hình, lượng hàng hóa bán ra ăn theo hình ảnh của giải đấu… Khổ! Tất cả các thứ ấy đều kém hơn thời “bóng đá bao cấp”.

Vậy nên như thế mới rất cần một bảng tổng kết sau 10 năm, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam khác trước ra sao?

Rốt cuộc thì sau 10 năm làm chuyên nghiệp, SLNA (phải) vẫn là CLB làm bóng đá có căn cơ nhất. Ảnh: Quang Thắng

Rốt cuộc thì sau 10 năm làm chuyên nghiệp, SLNA (phải) vẫn là CLB làm bóng đá có căn cơ nhất. Ảnh: Quang Thắng

Nhà vô địch V-League đầu tiên là SLNA. Đội bóng ấy nay vẫn còn. Cái tên vẫn là SLNA, chẳng có doanh nghiệp nào ghép tên cả. Cơ chế hoạt động của SLNA, hiểu cho đúng, cũng chẳng khác gì 10 năm trước, thời mà SLNA đi tiên phong trong việc thành lập “đoàn bóng đá” hoạt động độc lập so với Sở TDTT cũ. Con người của SLNA, cách đào tạo trẻ, khả năng kiếm tiền… chẳng khác trước. Sự khác biệt duy nhất là họ cần nhiều tiền hơn để hoạt động và ngân sách này được rót từ Ngân hàng Bắc Á theo một cơ chế rất lòng vòng mà nếu “huỵch toẹt” ra thì cũng có một phần không nhỏ tiền nhà nước. Tất nhiên, với một hình thức khác ngân sách công.

Chẳng đâu làm bóng đá căn cơ bằng SLNA. Chẳng đâu cung cấp nhân tài cho đội tuyển quốc gia lẫn các CLB khác bằng xứ Nghệ. Nhưng từ sau chức vô địch ở mùa chuyên nghiệp đầu tiên đến nay, SLNA chưa lần nào trở lại ngôi cao. Thứ cản trở họ chính là tiền, chính xác hơn là phải nhiều tiền. Điểm lại, ngoài SLNA và sự đột biến của Cảng Sài Gòn sau đó 1 năm thì các nhà vô địch của V-League đều liên quan đến chuyện tiền. Nói cho dễ hiểu, đấy là một “cuộc đua tiền” nhiều hơn sự so đọ năng lực, truyền thống, lối chơi hay cá tính - những thứ thuộc về bóng đá.

Đương nhiên, đã làm bóng đá chuyên nghiệp thì phải đầu tư tiền. Nhưng bên cạnh đó, phải có sự tiến bộ về việc thu hồi tiền thì mới đúng. Chính xác thì bóng đá chuyên nghiệp là thứ bóng đá nuôi bóng đá chứ chẳng đi theo kiểu bỏ tiền nhiều hơn thì thắng, ít tiền thì thua như ở V-League hiện thời.

Vậy mới thắc mắc là VFF có định làm bảng tổng kết 10 năm chuyên nghiệp hay không? Hay là họ lại đang bận việc tính xem mỗi năm người ta chi bao nhiêu ngàn tỷ cho  V-League rồi lấy con số đó quy thành “thương quyền V-League” thì khổ!

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục