Cơ hội để nhiều tuyển thủ triển vọng tập dài hạn nước ngoài

Thể thao Việt Nam xây dựng kế hoạch tập trung trọng điểm cho nhóm môn ASIAD, Olympic và dự kiến không ít gương mặt triển vọng được ra nước ngoài tập dài hạn.

Các VĐV trẻ có tiềm năng là được xây dựng lộ trình để tập huấn dài hơi tại nước ngoài trong tương lai. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Các VĐV trẻ có tiềm năng là được xây dựng lộ trình để tập huấn dài hơi tại nước ngoài trong tương lai. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Các bộ môn của ngành thể thao đang xây dựng các kế hoạch chuyên môn chi tiết nhất nhằm tham mưu lãnh đạo Cục TDTT trong việc lên bộ khung dự thảo của Đề án “Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Lúc này, các ý kiến thảo luận từ đó tham mưu tới lãnh đạo Cục TDTT của các Phòng thể thao thành tích cao 1, 2 (Cục TDTT) được tập trung vào các giải pháp trọng điểm để xây dựng dự thảo Đề án là vấn đề môn trọng điểm, nội dung trọng điểm và con người trọng điểm.

Trong buổi làm việc mới nhất ở ngày 2-7 của lãnh đạo Cục TDTT với các bộ môn, vấn đề được trao đổi thẳng thắn khi xây dựng Đề án là ngành thể thao nên chia giai đoạn của công tác phát triển các môn trọng điểm theo các mốc thời gian cụ thể, rõ ràng mục tiêu. Ở đó kế hoạch ngắn hạn sẽ là tới năm 2030 và có trọng tâm đề ra các môn, các nội dung và số lượng VĐV chất lượng cao đi tập huấn nước ngoài là những môn nào, cụ thể quân số VĐV ra sao cùng mục tiêu chuyên môn. Tiếp tới sẽ là kế hoạch dài hạn là tới năm 2045 và các chương trình thực hiện được định hướng dài lâu.

Tháng 3 vừa qua, ngành thể thao đã có đã làm việc với ông Alain Goudsmet (Chủ tịch tập đoàn Mentally Fit Global, Bỉ) về các nội dung liên quan hợp tác lĩnh vực TDTT. Đáng kể, từ sự hợp tác, chương trình “Xây dựng mạng lưới huấn luyện tinh thần cho thể thao Việt Nam” do 2 bên phối hợp đã thực hiện bằng 2 lớp học dành cho HLV tại các đội tuyển thể thao quốc gia ở Hà Nội và TPHCM. Kế hoạch cử một số tuyển thủ trẻ tại một số đội tuyển thể thao nhóm 1, có khả năng phát triển tương lai, tới châu Âu (có thể là Bỉ) tập huấn đang được tính tới. Một số bộ môn (trong đó có điền kinh) bắt đầu làm việc cụ thể để lên phương án chuẩn bị.

thuy hien 111.jpg
Thúy Hiền là một trong những gương mặt trẻ triển vọng của bơi Việt Nam lúc này. Ảnh: D.P

Tháng 1-2023, phái đoàn của Quỹ Chiến lược thể thao quốc tế do Phó Chủ tịch Uỷ ban Olympic quốc tế, cố vấn đặc biệt của Quỹ Chiến lược thể thao quốc tế - ông Ser Miang cùng Chủ tịch Quỹ Chiến lược thể thao quốc tế - ông Ryu Seung-min đã làm việc tại Việt Nam cùng lãnh đạo Bộ VH-TT-DL.

Khi đó đại diện Quỹ này cam kết sẽ hỗ trợ tuyển chọn khoảng 100 VĐV xuất sắc nhất của Việt Nam trong các môn môn thể thao Hàn Quốc có thế mạnh đưa sang Hàn Quốc đào tạo, huấn luyện dưới sự huấn luyện chuyên môn của HLV tại quốc gia bạn. Tới lúc này, việc tuyển chọn 100 VĐV và cử những con người ấy đi Hàn Quốc tập huấn chưa tiến triển. Nếu chương trình thực hiện, chắc chắn nhiều VĐV triển vọng thể thao Việt Nam được tập huấn tăng cường chuyên môn.

Hai năm nữa, đấu trường ASIAD 20 năm 2025 khởi tranh tại Nhật Bản. Sau đó 2 năm, Olympic năm 2028 diễn ra tại Mỹ. Thể thao Việt Nam đang tích cực xây dựng kế hoạch chuẩn bị lực lượng đảm bảo nhất.

Trong lịch sử, chúng ta có kết quả tốt nhất trong việc cử VĐV tập huấn dài hạn nước ngoài và mang về thành tích cao là tuyển thủ bơi Nguyễn Thị Ánh Viên. Tuy nhiên, Ánh Viên chưa vượt được ngưỡng để chạm tay vào huy chương Olympic. Ngoài các tấm HCV tại SEA Games, Ánh Viên có 2 thành tích tốt nhất là 2 HCĐ từng đạt tại ASIAD năm 2014. Thể thao Việt Nam đang tìm nhiều hơn số lượng VĐV triển vọng như Ánh Viên trước đây để đầu tư trọng điểm.

Khi Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự đấu trường ASIAD và Olympic được hoàn tất, người làm nghề rất cần sự thực thi nhanh chóng. Được biết, dự thảo xây dựng Đề án trên dự kiến sẽ hoàn tất ngày 15-7 sau đó trình lãnh đạo Bộ VH-TT-DL xem xét.

Tin cùng chuyên mục