Chuyện trước mắt, chuyện lâu dài

1. Một thất bại mong manh 0-1 trước U19 Nhật Bản không đồng nghĩa với việc bóng đá trẻ Việt Nam đã tiến gần đến đẳng cấp của người Nhật và trong một vài năm nữa, sẽ ngang bằng với họ. Chiến thắng của Olympic Việt Nam trước Olympic Iran dù hoành tráng đến đâu cũng không làm thay đổi được một thực tế là bóng đá Việt Nam vẫn còn ở khoảng cách rất xa so với làng cầu Tây Á này. Đừng vội cho rằng, sự tiến bộ vượt bậc của một nhóm cầu thủ trẻ có thể kéo cả nền bóng đá đi lên và càng không nên tin rằng, một chiến thắng bất ngờ có thể đảo chiều đẳng cấp. Nói cách khác, đó là những tín hiệu lạc quan, những thời khắc huy hoàng nhưng vẫn chưa thay đổi nội lực của một làng cầu đang trong cơn khủng khoảng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Nhưng có một điều chắc chắn chúng ta nên tin, và cần phải tin: Bóng đá Việt Nam vẫn còn tiềm năng để phát triển. Với U19 Việt Nam, rõ ràng nếu làm bóng đá một cách tử tế, có năng lực tài chính thì vẫn có thể tái tạo lại làng bóng từ những thế hệ trẻ. Còn với chiến thắng của U23, nó cho thấy những gì chúng ta đang có hiện tại không đáng bị vứt đi, bị lãng quên chỉ vì đặt hết trọn vẹn kỳ vọng vào U19.  Nghĩa là việc chúng ta chờ đợi điều tốt đẹp ở một thế hệ tương lai là chuyện lâu dài, cần có thời gian nhưng cũng cần phải tính chuyện trước mắt, phải nhìn tương lai ấy bằng con mắt của hiện tại thay vì mơ mộng về một điều còn ở rất xa.

U19 Việt Nam vẫn đang là niềm hy vọng lớn cho bóng đá Việt Nam trong tương lai. Ảnh: Nhật Anh

2. Vì cần phải thấy rằng, các cầu thủ của Olympic Việt Nam hiện nay kém xa so với các lứa U23 trước đây. Không có một cầu thủ nào đến từ Bình Dương, đội vô địch V-League. Đa số đều đến từ những đội trung bình, hạng nhất thậm chí có cả hạng nhì (Nam Định, Bình Định). Thế nhưng, chỉ với một HLV có năng lực phát hiện cầu thủ và biết cách áp dụng chiến thuật phù hợp, họ trở thành những con người khác. Trận thắng trước Olympic Iran, nhìn từ phía chúng ta hay chính phía Iran cũng đều thống nhất rằng đây là trận đấu thành công của Olympic Việt Nam. Điều này có nghĩa, cầu thủ Việt Nam đâu có kém đến mức không thể chơi một trận cầu sòng phẳng với những đội đứng đầu Châu lục.

Vấn đề nằm ở chỗ đó. Không chỉ với Olympic Việt Nam, tại đội tuyển quốc gia, có rất nhiều cầu thủ từng chơi trong đội hình vô địch AFF Cup 2008. Theo thời gian, lẽ ra hiện tại họ còn đá hay hơn trước khi đang ở độ tuổi chín nhất của sự nghiệp (27-29 tuổi). Thế mà chẳng hiểu sao, người ta lại nhìn họ như những kẻ hết thời, chỉ tồn tại cho xong nghĩa vụ lịch sử của thế hệ mình để “nhường sân” cho U19.

Nếu thật sự nghĩ đến chuyện làm bóng đá tử tế, đầu tư cho U19 là một chuyện (ở đâu thì người ta cũng làm thế cả) nhưng trước mắt là phải tái tạo lại những gì đang có. Không thể mỗi năm tốn kém biết bao nhiêu tiền để tổ chức giải hạng nhất, V-League để rồi những tinh hoa (dù kém hay tốt thì vẫn là tinh hoa) của các giải đấu chỉ được sử dụng chiếu lệ, không đầu tư để cứ nhấp nhổm đợi U19 Việt Nam lớn lên.

Chiến thắng của Olympic Việt Nam và những màn ra mắt thành công ngoài mong đợi của HLV Miura đã khẳng định cái chân lý của bóng đá: Không có làng cầu nào nhỏ bé, chỉ có những làng cầu không biết mình đứng ở đâu trên bản đồ thế giới để biết mình nên làm gì với những gì đang có.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục