Chuyện gieo và gặt trong bóng đá

Chuyện gieo và gặt trong bóng đá

1. Bóng đá cũng như võ công, có hai trường phái rõ rệt: hoặc là tấn công hoặc là phòng thủ. Giáng Long thập bát chưởng của Cái Bang do Hồng Thất Công, Quách Tĩnh, Tiêu Phong sử dụng là môn võ thuần dương, cực kỳ cương mãnh, tấn công tuyệt đối. Trong mười tám chiêu thức của pho chưởng pháp này không hề có một chiêu nào nghiêng về phòng thủ. Độc cô cửu kiếm do Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung thi triển cũng thế, cũng thiên về tấn công, mặc dù họ xuất chiêu sau nhưng mũi kiếm luôn luôn tới trước.

Võ công của những môn phái liên quan đến phật gia và đạo gia thường nặng về phòng thủ. Điều này xuất xứ từ quan niệm võ công là để tự vệ chứ không phải để giết người. Thái cực quyền của Võ Đang hay các pho võ công trấn phái của các nữ ni Nga My, Hằng Sơn đều xây dựng trên những chiêu thức phòng thủ kín đáo, nghiêm cẩn. Xét về hiệu quả, Lăng ba vi bộ của chàng nho sinh Đoàn Dự là loại võ công phòng thủ tuyệt đối, phòng thủ trên cả phòng thủ, vì bộ pháp vi diệu này chỉ dùng để... chạy khi bị đối phương tấn công.

Chuyện gieo và gặt trong bóng đá ảnh 1

Đội tuyển Việt Nam sẽ chơi theo chiến thuật nào? Ảnh: AN NHƠN

2. Nói về bóng đá thì lối chơi của Barcelona, Real Madrid, Ajax Amsterdam là lối chơi thuần túy tấn công. Nói Barca, Real và Ajax giỏi chơi phòng thủ cũng chẳng khác nào nói Maradona giỏi chơi... bóng bàn. Ở giải Anh, Manchester United và Arsenal là hai đại biểu lừng danh cho trường phái này. Tất nhiên trong một số trường hợp cụ thể, MU vẫn có thể chọn lối chơi phòng thủ nhờ vào cặp trung vệ chắc chắn Rio Ferdinand và Vidic, đặc biệt trong trường hợp gặp đối thủ quá mạnh.

Hai trận đi và về gặp Barcelona ở giải Champions League mùa trước là một ví dụ. Đấy là lúc MU chấp nhận hy sinh bản sắc để đạt được kết quả, cuối cùng họ trở thành nhà vô địch châu Âu. So với MU thì Arsenal trung thành với chính mình hơn. Chưa bao giờ Arsenal chơi phòng thủ, kể cả khi gặp đại địch: họ sẵn sàng chết nếu đó là một cái chết đẹp. Quan niệm này giúp HLV Wenger của Arsenal, bất chấp vẻ mặt lúc nào cũng khó đăm đăm, trở thành người đàn ông lãng mạn, hào hoa hơn hẳn HLV Ferguson của MU.

3. Một cao thủ suốt đời chỉ biết tấn công sẽ rất khó khăn khi buộc phải phòng thủ. Ngược lại, một cao thủ đã chọn lối chơi phòng thủ làm lẽ sống thì đương nhiên không giỏi các kỹ năng tấn công. Tấn công và phòng thủ hiển nhiên là hai chiến thuật đối nghịch nhau như nước với lửa. Cao thủ tấn công khi đạt đến một cảnh giới cao siêu sẽ khiến đối phương đầu váng mắt hoa, không có thì giờ đâu mà tấn công lại mình. Bằng chứng: vào lúc phong độ cao nhất, Barca, Real và Ajax đã làm trùm châu Âu. Đó là lúc phương châm “tấn công là cách phòng thủ tốt nhất” tỏ ra cực kỳ ứng nghiệm. Nhưng nếu cao thủ tấn công sút giảm thể lực, mất tập trung hay không còn những miếng đánh bất ngờ, họ sẽ chết vì những đòn “hồi mã thương” của cao thủ phòng ngự. AC Milan bất thần bị thua Liverpool trong trận chung kết Champions League 2005 sau khi đã dẫn trước đối thủ 3-0 trong hiệp một là một ví dụ điển hình.

4.
Đội tuyển Hy Lạp chỉ biết chăm chăm phòng thủ hết trận này đến trận khác đã lên ngôi tại Euro 2004 là dấu hiệu thoái trào của bóng đá tấn công. Năm 2005, thắng lợi của một đại biểu phòng ngự khác ở cấp câu lạc bộ là Liverpool trước AC Milan như đã nói ở trên lại xát thêm muối vào nỗi đau của trường phái này. (Dĩ nhiên là đến Euro 2008, Tây Ban Nha đã lấy lại công bằng cho bóng đá tấn công khi lên ngôi vô địch bằng lối chơi cực kỳ đẹp mắt).

Tuy nhiên, ở đây có một điều đáng lưu ý: Các cao thủ chơi thiên phòng ngự, dù thắng lợi vẻ vang vẫn cảm thấy không thật hạnh phúc trước những cái bĩu môi của người hâm mộ. Tâm lý người xem bao giờ cũng thế: Đến sàn đấu hay sân bóng là để thưởng thức những pha tấn công rực lửa chứ không phải để... ngủ gục trước những trận đấu tẻ nhạt. Trên các sàn võ vật, đối thủ nào không chịu tấn công là bị trọng tài nhắc nhở, thậm chí trừ điểm. Ở môn bóng đá không có điều luật này, nhưng những tiếng la ó hay huýt sáo chế nhạo của khán giả vẫn luôn ám ảnh các chuyên gia phòng ngự.

Thắng là tốt, nhưng chưa đủ. Phải thắng bằng lối chơi tấn công say đắm lòng người mới thực là vinh dự. HLV Jose Mourinho, bậc thầy về bóng đá thực dụng, từng tuyên bố: “Tôi cần thắng chứ không cần đẹp. Bản thân chiến thắng chính là vẻ đẹp trong bóng đá”. Mourinho chỉ nói thế thôi, trong thâm tâm ông không chỉ muốn “thắng” mà còn muốn “thắng đẹp”. Lúc còn ở Anh, đã nhiều lần Mourinho xua các cầu thủ Chelsea tràn lên để tìm kiếm những tỷ số đậm, vài lần ông đã làm được, nhưng tập quán phòng thủ đã ngăn cản Mourinho đi đến cùng sự lựa chọn lãng mạn của mình.

5.
HLV Rafael Benitez của Liverpool cũng thế thôi. Chuyên gia phòng ngự này vẫn luôn mơ màng về bóng đá tấn công, nhất là bây giờ ông đã có chân sút tuyệt hảo Torres. Nhưng khổ nỗi, kỹ năng phòng ngự đã trở thành quán tính của Liverpool đến mức khi muốn chơi tấn công trước một đội bóng tân binh như Stoke City, Liverpool cũng không thể giành được thắng lợi. Tuần rồi, ngay trên sân nhà, tỷ lệ kiểm soát bóng của đoàn quân áo đỏ so với đối thủ là 70% - 30%, số lần sút bóng là 18-1, số lần hưởng phạt góc 20 - 1, thế mà vẫn không ghi nổi một bàn.

Thế mới biết thay đổi một tư duy bóng đá là chuyện cực kỳ khó khăn, vì bắt một cầu thủ quen phòng ngự phải tấn công hoặc một cầu thủ quen tấn công chơi phòng ngự cũng giống như bắt một con cá nước ngọt phải sống trong nước mặn hay ngược lại. Câu nói “gieo hành động sẽ gặt thói quen, gieo thói quen sẽ gặt tính cách...” hoàn toàn đúng trong trường hợp này. Đội tuyển Việt Nam lâu nay cũng gặp những vấn nạn tương tự.

Sắp tới, các cầu thủ của ông Calisto sẽ tham gia ba giải đấu liên tiếp, đỉnh điểm là cúp Đông Nam Á vào cuối năm và chúng ta chờ xem ông sẽ hướng các cầu thủ Việt Nam tới lối chơi nào: Giáng Long thập bát chưởng oai mãnh, Thái cực quyền ôn nhu hay Lăng ba vi bộ “tẩu vi thượng sách”! 

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục

Quần vợt

Roland Garros: “Tiểu mỹ nhân 16 tuổi người Nga” Mirra Andreeva chạm tay vào giấc mộng Grand Slam

Đánh bại tay vợt 21 tuổi người Colombia - cô Camila Osorio Serrano (hạng 86 của WTA, hạt giống số 1 của Vòng loại đơn nữ Roland Garros - French Open 2023) với điểm số 10-8 trong loạt đánh tie-break ván 1, và vẫn đứng vững vàng, mạnh mẽ khi thắng điểm 6-4 ở trong ván đấu thứ 2 tại Vòng cuối cùng của Vòng đấu loại, Mirra Andreeva đã chạm tay vào giấc mộng Grand Slam có thực...