
Cuộc đua trụ hạng chỉ thực sự hấp dẫn khi bất ngờ có mặt CLB Hà Nội - đội bóng mà xét về thứ hạng - chưa bao giờ phải rơi vào vòng nguy hiểm trước vòng đấu cuối cùng. Nó chỉ khiến kịch tính của vòng đấu cuối tăng lên một chút, chứ kỳ thực, ngay từ đầu người ta đã nhắm đến 2 đội bóng miền Tây…
Kiên Giang là “ứng cử viên” nặng ký nhất của chiếc vé xuống hạng với thân phận của một tân binh. Hơn nữa, lúc đầu mùa khi có tin bầu Kiên rút lui khỏi vai trò của đại diện đơn vị tài trợ, người ta đã tin rằng, V-League chỉ là cuộc dạo chơi chốc lát của đội bóng “3 không” này. Mãi đến khi Đồng Tháp “đổ bệnh” và phải thay ông Trang Văn Thành, người ta mới lờ mờ nhận ra, Kiên Giang đã có “đồng đội”.

Nếu không có tài của ông Ba Vân, dễ gì K.Kiên Giang trụ hạng trong niềm vui sướng thế này.Ảnh: Dương Thu
Nhưng nếu không có sự xuất hiện của V.Hải Phòng ở nhóm cuối bảng ngay từ cuối lượt đi, thì chưa chắc Kiên Giang đã nghĩ đến chuyện “phải” trụ hạng. Nói đúng hơn, cuộc đua trụ hạng mùa này bất ngờ lớn nhất nằm ở sự sa sút đáng ngờ của Hải Phòng. Lúc đầu giải, những nhận định bi quan nhất cũng chỉ xếp Hải Phòng vào nhóm “trung bình yếu” chứ ít ai lại nghĩ họ lại đứng cuối bảng khi kết thúc lượt đi cũng đồng nghĩa với một suất xuống hạng.
Niềm tin ấy còn được củng cố khi mới sau 3 vòng đầu, họ đã mời ông Lê Thụy Hải về cầm quân. Cái “thương hiệu” ấy là một bảo chứng nặng ký đến mức người ta vẫn tin là Hải Phòng sẽ cải thiện được tình hình ở lượt về. Có đâu ngờ V.Hải Phòng lại “yếu từ ông Lê Thụy Hải yếu xuống”.
Cái may mắn của Kiên Giang nằm ở chỗ này. Xin nhớ rằng, hết lượt đi Kiên Giang chỉ có 3 trận thắng và thua đến 5 trận, chỉ đạt 14 điểm sau 13 trận đấu. Vậy mà lượt về, họ thắng thêm đến 6 trận, đạt 18 điểm để cán đích an toàn. Đây là nghịch lý đối với một tân binh bởi thông thường, những đội vừa thăng hạng chỉ “sung” giai đoạn đầu vì “chưa đi mưa, chưa thấy lạnh”. Đằng này, Kiên Giang đá như một đội bóng dày dạn, biết tung sức ở giai đoạn cuối mùa.
Nếu không nhờ sự có mặt của V.Hải Phòng thì còn gì nữa. Chính vì Hải Phòng “phất cờ trắng” quá sớm nên thầy trò ông Lại Hồng Vân sẽ có cảm giác “cửa” trụ hạng không hề nhỏ khi ở thời điểm đầu lượt về, có đến 7 đội bóng có cùng nguy cơ xuống hạng như nhau. Với một đội bóng ít chịu áp lực về việc trụ hạng thì càng tự tin, họ càng đá tốt. Đây có thể là lý do chính để Kiên Giang thoát hiểm ngoạn mục.
o0o
Nhưng, luôn có một chữ nhưng, con đường trụ hạng của Kiên Giang không thể “trơn tru” nếu thiếu một số trận đấu “có vấn đề”. Ví dụ như trận hòa tại sân Chi Lăng ở lượt đi và thắng SHB Đà Nẵng tại sân nhà hay như 2 trận đấu với Hà Nội và N.Sài Gòn. Nếu xét về các kết quả nói trên, năng lực trụ hạng của Kiên Giang chẳng kém gì “vua trụ hạng” Khánh Hòa về khả năng uyển chuyển trong chiến lược đường dài.
Người ta thấy bật lên ở đây, uy tín và tài thao lược của HLV lão luyện Lại Hồng Vân, người mà lúc còn thi đấu vốn được xếp vào những đàn anh trên sân bóng lẫn ngoài đời. Vì vậy nếu phải dựng tượng cho ông thầy người Đồng Tháp này thì Kiên Giang cũng nên làm. Chính ông Ba Vân đã chiếm đến 50% sự thành công của Kiên Giang ở mùa giải năm nay.
Kiên Giang, Khánh Hòa, CLB Hà Nội và tính luôn cả Thanh Hóa, N.Sài Gòn đều thoát hiểm nhờ một yếu tố mang tính khách quan đó là V.Hải Phòng và CS.Đồng Tháp tự nhiên suy yếu. Dân làm bóng đá Việt Nam ai mà không biết 2 đội bóng nói trên từng thoát hiểm ngoạn mục như thế nào trong lịch sử giải đấu số 1 Việt Nam. Tuy nhiên, trong mùa bóng này, cả Đồng Tháp lẫn Hải Phòng đều tự “bắn vào chân mình” và chính họ tự đẩy mình đến ngõ cụt nhiều hơn là các đối thủ của họ giỏi hơn.
Rất nhiều đội trong nhóm có thể xuống hạng đã thoát hiểm không hẳn là nhờ năng lực mà có thể là do mối quan hệ. Điều đó càng được củng cố khi chúng ta biết, cả ông Lê Thụy Hải lẫn ông Trần Công Minh đều không phải là những người mà dân trong giới có thể dễ dàng bắt tay.
Nói cách khác, những Kiên Giang, Khánh Hòa và Hà Nội thoát hiểm có phần lớn “công sức” của 2 đội đã rớt hạng.
Hồ Việt
- Thông tin liên quan:
>> Kỳ 1: Xứng danh một ông vua