Chữ “nhẫn” hay là tinh thần “không biết sợ”

Chữ “nhẫn” hay là tinh thần “không biết sợ”

1. Trong đêm Gala mừng chức vô địch AFF Suzuki Cup của đội tuyển bóng đá Việt Nam hôm 7-1 vừa qua, Ban tổ chức đã tặng HLV Henrique Calisto một bức thư pháp vỏn vẹn một chữ “Nhẫn”, ý khen ngợi sự kiên trì và nhẫn nhịn của vị huấn luyện viên này trong hành trình chinh phục ngôi vương Đông Nam Á - một hành trình hết sức chông gai và gian khổ.

Cái chông gai và gian khổ đó không chỉ xuất phát từ 11 trận không biết thắng trước khi đội tuyển giải quyết được “nút chặn quan trọng” Malaysia, mà chuỗi kết quả không thuận lợi đó đã kéo theo nó sự công kích từ dư luận, chủ yếu là một bộ phận trong giới truyền thông - sự công kích có lúc quá trớn đến mức sẵn sàng đi chệch khỏi những nhận xét chuyên môn để tấn công vào những gì tư riêng nhất mà những quy kết về tâm tính của Calisto là một ví dụ.

Trong một thời gian dài những nhận xét cay nghiệt nở rộ đến mức có vị lãnh đạo yếu bóng vía của VFF đã phải úp mở đến giải pháp “thay ngựa giữa dòng”.

Chữ “nhẫn” hay là tinh thần “không biết sợ” ảnh 1

Thầy trò Calisto mừng chiến thắng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

2. Bây giờ, khi đội tuyển đã chiến thắng rồi, nhiều người thích hành xử theo kiểu tung hô vô tội vạ và phớt lờ những sai lầm trong quá khứ một cách nhẹ tênh. Những người “bắn” Calisto nhiều nhất có vẻ đã quên mình đặt tay lên cò súng bao nhiêu lần. Ngay cả VFF cũng được hưởng công và được xem là một trong bốn nhân tố tạo nên chiến thắng vừa rồi, bên cạnh vai trò của ban huấn luyện, cầu thủ và người hâm mộ.

Dĩ nhiên chúng ta không thể không tính đến vai trò quan trọng của VFF trong mọi thành bại của bóng đá nước nhà, nhưng nếu khách quan và sòng phẳng, chúng ta hẳn sẽ không quên Calisto chỉ là người đi chuyến tàu vét đến chiếc ghế huấn luyện viên trưởng tuyển Việt Nam khi mà bốn nhân vật được VFF nhắm tới đã không thể đến Việt Nam vào phút chót với nhiều lý do.

Alfred Riedl, một huấn luyện viên rất được lòng VFF thì đã vừa thất bại với tuyển Việt Nam ngay mùa giải trước đó. Rõ ràng, Calisto trở thành “kẻ được chọn” không hẳn vì VFF có con mắt xanh, mà vì nếu không chọn Calisto trong “giờ thứ 25” đó, cuộc chuyển giao quyền lực ở vị trí đứng đầu đội tuyển chắc chắn sẽ lâm vào khủng hoảng.

Calisto chỉ là giải pháp tình thế, và rất may là “người thứ 41” đó đã “giải cứu” cho VFF và cho cả khao khát vinh quang gần nửa thế kỷ của bóng đá Việt Nam. Tóm lại, nếu VFF cần được ngợi khen thì chỉ nên khen ở chỗ họ đã vượt qua được những khoảnh khắc hoài nghi và dao động để không “trảm” Calisto trước khi AFF Cup diễn ra.

3. Nhắc lại những điều trên thực ra không phải để phê phán ai, nhưng một cách quân tử chúng ta không thể vờ như đã không có điều tồi tệ nào xảy ra với Calisto, bởi thực tế có những thời điểm ông đã mất niềm tin vào giới truyền thông lẫn những người giao việc cho ông, thậm chí có lúc ông từng nghĩ đến việc rút lui.

Nhắc lại, để thấy rằng ở đời cao giọng phê phán ai đó thì quá dễ trong khi phải cần nhiều cố gắng và nhiệt tâm mới có thể thấu hiểu và thông cảm cho người khác. Nhiều người đã bắn ông bằng súng lục, nhưng bây giờ với chiếc cúp vô địch trên tay, coi như Calisto đã có nguyên một khẩu đại bác.

Nhưng ông đã không bóp cò. Vì ông hiểu rằng ai cũng có thể mắc sai lầm và quan trọng hơn ông đang rất cần một sự đoàn kết cao độ, không chỉ trong nội bộ đội tuyển, để giúp bóng đá Việt Nam chinh phục những thách thức mới, đỉnh cao mới. Đó là cách hành xử của người sống và làm việc vì cái chung, vì những mục tiêu cao hơn những thị phi và hiềm khích đời thường.

Và cuối cùng, nhắc lại để tôn trọng tính toàn vẹn của lịch sử như một quá trình, chứ không phải chỉ là một lát cắt ngay thời điểm vinh quang, bởi nếu không thế chúng ta không thể học từ những vấp váp vừa qua những cẩn trọng cần thiết để tiếp tục đóng góp một cách hữu hiệu nhất cho sự tiến bộ của đội tuyển nói riêng và của bóng đá Việt Nam nói chung.

4. Như vậy, Calisto xứng đáng với chữ “nhẫn” mà người ta đã tặng ông. Nhưng để được là “nhẫn”, chắc chắn ông phải sở hữu một phẩm chất quan trọng hơn, đó là tinh thần “vô úy” - không biết sợ.

Bên ngoài là các kình địch Malaysia, Singapore, Thái Lan, là trọng tài, là cổ động viên chủ nhà trên các sân National và Rajamangala, bên trong là vô số mũi dùi bén ngót của công luận: vượt qua được tình cảnh “nội công ngoại kích” đó, Calisto trước hết phải là người không biết sợ, phải là người có niềm tin sắt đá vào sự lựa chọn của mình.

Ông luôn nhắc đi nhắc lại, nhắc với mọi người nhưng cũng là thủ thỉ với chính trái tim mình “Mục tiêu tối hậu của đội tuyển là AFF Cup”. Và ông tin vào lợi ích của 10 trận giao hữu không biết thắng. Ông tin vào sự phục sinh của chim phượng hoàng khi quyết tử trong lúc những người khác chỉ nhìn thấy tro than.

Trước Calisto, đã có những huấn luyện viên “biết sợ”, và họ cố gồng mình lấy hết chiếc cúp giao hữu này đến chiếc cúp giao hữu khác như một cách rót mật vào miệng lưỡi thế gian để dư luận im tiếng. Và dĩ nhiên họ đã không còn sức để lấy được chiếc cúp quan trọng nhất trong mùa.

Chúng ta đòi hỏi họ, gây sức ép với họ để họ phải thắng hết trận vô nghĩa này đến trận vô bổ khác, để khi họ thất bại ở SEA Games hay AFF Cup, chúng ta bĩu môi “thử kêu đốt tịt”. Rất may Calisto thuộc mẫu người không biết sợ, ông cứ “thử tịt”, miệt mài và lầm lũi, mặc cho ai đó “kêu”. Và rốt cuộc đội tuyển đã thăng hoa đúng vào khoảnh khắc cần thăng hoa nhất.

5.
Đôi lúc tôi nghĩ rằng chính tính cách của huấn luyện viên ảnh hưởng và tạo nên tính cách của đội tuyển. Một con người điềm đạm, mực thước như Riedl sẽ tạo nên một đội tuyển mang dấu ấn của mình: “đằm thắm”, “nhu hòa” - những phẩm chất dễ thăng tiến khi cuộc sống suôn sẻ nhưng cũng dễ nhụt chí khi gặp khó khăn.

Đã 4 lần đội tuyển của Riedl lọt vào trận chung kết khu vực ở AFF Cup 1998 và các SEA Games 1999, 2003, 2005, và cả bốn lần đều thất bại trước thử thách cuối cùng.

Đội tuyển của Calisto lại khác. Đó là một đội tuyển đầy cá tính, giống hệt ông thầy của mình: một đội tuyển “không biết sợ”. Lần đầu tiên từ năm 1975 tôi mới thấy một đội tuyển quốc gia chơi bóng khôn ngoan và lì lợm đến vậy, khi cần “nhẫn” thì chịu đựng hết mực, khi cần “bung” thì tràn lên tấn công như gió táp mưa sa.

Sự may mắn luôn đồng hành cùng bóng đá nhưng để lần lượt vượt qua “song hùng kỳ hiệp” Đông Nam Á Singapore và Thái Lan, chỉ may mắn thôi thì không đủ. Phải cần rất nhiều thứ, trong đó có thứ cực kỳ quan trọng: “tinh thần không biết sợ”.

Đắc thủ được tinh thần đó, lần đầu tiên tuyển Việt Nam bước vào Asian Cup với những đối thủ sừng sỏ như Trung Quốc, Syria, Lebanon mà không nghe ai nhắc gì đến hai chữ “cọ xát” hay “học hỏi” như lâu nay. Sướng ơi là sướng! 

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục

Bóng đá quốc tế

Mikel Arteta: “Chúng tôi không thể kiểm soát Man.City”

Chiến thắng 4-1 trước trước Leeds United đã giúp Arsenal khôi phục lại vị trí dẫn đầu với 8 điểm cách biệt trước Man.City trong cuộc đua danh hiệu. Với 9 trận đấu còn lại, đội bóng thành London đã tiến rất gần đến chức vô địch Premier League lần đầu tiên kể từ năm 2004.

Các môn khác

Giấc mơ đưa Việt Nam đến Olympic mùa đông của Trang!

Tưởng chừng đất nước nhiệt đới như Việt Nam khó có thể tiếp xúc với thể thao mùa đông. Tưởng chừng những môn thể thao “đặc sản” ở vùng có tuyết sẽ chẳng có dấu ấn của tuyển thủ Việt Nam. Nhưng cô gái nhỏ bé Trần Thị Đoan Trang đã từng bước xóa bỏ những “tưởng chừng” đó để thực hiện ước mơ lớn, đưa thể thao Việt Nam đến gần với Olympic mùa đông.