Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn:
Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành thể dục thể thao (TDTT) (27-3-1946 - 27-3-2016), bên cạnh hội thảo khoa học “70 năm TDTT dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ”, ngành còn tổ chức nhiều hoạt động khác. Nhân dịp này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - ông Trần Đức Phấn, đã có một số chia sẻ với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng.
* Phóng viên: Trong hoạt động kỷ niệm 70 năm ngành TDTT, dưới góc độ nhà quản lý, ông có thể chia sẻ vai trò và ý nghĩa của TDTT đối với đời sống con người?
* Ông TRẦN ĐỨC PHẤN: Có thể thấy rằng, trong những giai đoạn trước đây, cả khi đất nước còn chiến tranh lẫn khi đất nước hòa bình thống nhất, vai trò, vị trí của TDTT đối với con người và xã hội nói chung rất quan trọng. Nếu chúng ta không có sức khỏe thì không làm được gì và sức khỏe có ý nghĩa quyết định công việc của mỗi con người. Vì vậy, nêu cao vai trò của TDTT với xã hội, chính là nêu cao sức lực, thể lực của người dân cũng như tạo mục tiêu thúc đẩy phát triển con người và xã hội một cách bền vững.

Ông Trần Đức Phấn. Ảnh: HUY THẮNG
* Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về công tác TDTT, ông có thể cho biết việc thực hiện nghị quyết trên đã đạt hiệu quả tới đâu và cần tiếp tục triển khai những nội dung gì?
* Có thể nói, ngành thể thao lần đầu có một nghị quyết của Đảng về TDTT. Đây là một trong những bước phát triển rất bền vững, tạo sự phát triển mới cho thể thao. Nghị quyết 08-NQ/TW sau khi được ban hành và Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ, lúc này ngành TDTT đã đạt được thành tựu đáng khích lệ. Đơn cử, một trong những tiêu điểm là chúng ta thực hiện Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân. Ngành TDTT vẫn tiếp tục triển khai tiếp các nội dung của Nghị quyết 08-NQ/TW để không chỉ đạt được kết quả thành tích cao mà còn phát triển nguồn lực con người. Từ đó, TDTT nuôi dưỡng nâng cao ý thức rèn luyện sức khỏe của người dân.
* Chính phủ đã có quy hoạch phát triển TDTT tới năm 2020. Đến lúc này, chúng ta cần những điều gì để thể thao Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn?
* Về nguồn lực con người chúng ta có. Về nguồn lực vật chất, như cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị dụng cụ và đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ khoa học vào TDTT sẽ cần phải được đầu tư hơn nữa để làm thế nào, sự nghiệp TDTT phải đảm bảo cho sự phát triển chung. Những yếu tố con người và khoa học kỹ thuật kết hợp hiệu quả, tạo động lực phát triển về thể thao cho mọi người nói chung cũng như thể thao thành tích cao.
* Phát triển TDTT cần mở rộng quan hệ quốc tế. Về mặt này, Tổng cục TDTT chủ trương thế nào?
* Hội nhập quốc tế là vấn đề chúng ta cần tích cực và chủ động. Trong giai đoạn hiện nay, hội nhập quốc tế đã toàn cầu hóa. Tôi thấy thể thao cũng vậy. Chính hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa giúp cho từng quốc gia phát triển. Bây giờ, TDTT nước ta đang cần mối quan hệ ngày càng sâu và rộng hơn từ nhiều bạn bè trên thế giới. Có như thế, chúng ta tiếp cận được nhiều nền thể thao mạnh, có khoa học phát triển và TDTT nước nhà học hỏi được, qua đó đáp ứng phù hợp nhu cầu phát triển chung của ngành.
* Xin cám ơn ông!
MINH CHIẾN (thực hiện)