Mới nhất, báo chí Anh đã đưa thông tin khiến nhiều người bất ngờ là HLV nổi tiếng được đánh giá năng lực nhất nhì thế giới Pep Guardiola (Tây Ban Nha) có 16 trợ lý làm việc cùng mình trong ban huấn luyện. Từ thực tế ấy, càng nổi tiếng và được yêu cầu cao về chuyên môn thì HLV trưởng luôn cần nhiều phụ tá cụ thể trong từng mảng.
1. Hiện lúc này, chúng ta có 2 đội bóng chuyền nam, nữ cùng thi đấu giải quốc tế. Đội tuyển bóng chuyền nam dự vòng loại World Cup 2018 bóng chuyền thế giới ở khu vực Đông Nam Á (diễn ra tại Thái Lan) còn đội tuyển nữ ở Hà Nam đánh cúp quốc tế VTV 2016. Thành phần ban huấn luyện đội nam và nữ chỉ có 2 người chính danh. Đội nam có HLV trưởng là ông Phùng Công Hưng, HLV phó Lê Hồng Hảo trong khi đội nữ HLV trưởng là ông Thái Thanh Tùng, HLV phó Nguyễn Tuấn Kiệt.
Số người của một ban huấn luyện như vậy rõ ràng là rất thiếu. Nhưng nếu đưa lý lẽ bảo đã đủ, với bóng chuyền Việt Nam, điều này không sai. Thực tế, một đội bóng chuyền chỉ gồm 2 HLV tham gia làm việc là không xuể. Việc tập luyện không đơn giản chỉ ra sân hướng dẫn chuyên môn chiến thuật. Đi cùng với đó, công tác huấn luyện thể lực, công tác y tế, công tác hậu cần thật cần. Câu chuyện này đã được nói nhiều. Những ví dụ từ bóng chuyền Thái Lan, bóng chuyền Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... để so sánh đều có. Tiếc là mọi chuyện chưa thay đổi được. Tuyển thủ và lãnh đạo Liên đoàn bóng chuyền (VFV) và bộ môn bóng chuyền (Tổng cục TDTT) đều hiểu, HLV trưởng và trợ lý HLV của đội tuyển lên tuyển huấn luyện có giáo án của mình kết hợp kinh nghiệm bản thân đưa ra bài tập.

Thành công của bóng chuyền nữ Thái Lan nhờ có những trợ lý giỏi (ảnh nhỏ) luôn bắt điểm yếu đối thủ. Ảnh: T.L
Với bóng chuyền và thể thao hiện đại, kinh nghiệm chỉ chiếm một phần. Để phát triển tốt nhất, cần nhiều nhân lực trong ban huấn luyện để phân đầu việc cụ thể cùng kết hợp khoa học kỹ thuật. Không phải ngẫu nhiên, thế giới đang có nhiều công ty sản xuất các kho dữ liệu khổng lồ rồi bán phần mềm phân tích chuyên môn trong nhiều môn thể thao (bóng đá là điển hình). Qua đó, HLV biết được năng lực của đối phương và sẽ đưa được phương án khắc chế. Bóng chuyền Thái Lan, Nhật Bản luôn có bộ phận kỹ thuật nằm trong ban huấn luyện và họ thành công khi nắm bắt điểm yếu đối thủ nhờ những trợ lý giỏi như vậy cho HLV trưởng. Chúng ta biết sự bất cập vì thiếu con người nhưng cơ chế rồi sự thủ cựu vẫn còn. Nhà quản lý luôn tin rằng kinh nghiệm chỉ một, hai người huấn luyện cho đội tuyển là đủ đảm bảo mọi công việc nên chưa một ai tính đường xa để phát triển.
2. Với thể thao Việt Nam lúc này, đội tuyển bóng đá đang dần bước hữu hiệu chuyên nghiệp qua ban huấn luyện. Hiện tại, đội tuyển bóng đá Việt Nam có 11 thành viên (1 HLV trưởng và 10 cán bộ trong ban huấn luyện). Ít nhất, cầu thủ bóng đá (cấp đội tuyển) được trang bị phù hợp là có HLV thể lực riêng, có bác sĩ riêng, có cán bộ kỹ thuật phân tích phần mềm riêng, có nhân viên mát-xa phục hồi riêng, có nhân viên hậu cần hỗ trợ riêng... Tức là, đội tuyển bóng đá Việt Nam đang được trang bị đầy đủ con người nhất và điều này không lạ với nhiều nền thể thao tại Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia chứ chưa nói là ở châu Á.
Đơn cử tại Olympic 2016, thể thao Singapore bố trí riêng một khu phục hồi trị liệu cho các VĐV thi đấu với đội ngũ 18 người đảm trách tốt chuyên môn. Phương châm của bạn rất đơn giản rằng VĐV là trung tâm và cần được hưởng điều kiện tốt nhất. Trong nỗ lực của mình, thể thao Việt Nam chỉ có được 3 bác sĩ đi Olympic 2016. So sánh luôn là khập khiễng. Yếu tố kinh tế quyết định tất cả. Từ điều nhỏ như việc một đội tuyển phải có đủ thành viên hỗ trợ cho HLV trưởng và VĐV mà không thực hiện tốt, rất khó để bước dần lên chuyên nghiệp.
Bóng đá Việt Nam có đặc thù riêng và do Liên đoàn bóng đá mạnh tài chính nên “trang bị” đủ người cho một ban huấn luyện đội tuyển. Nhiều môn thể thao khác còn loanh quanh chuyện tìm được ai làm HLV trưởng rồi tập trung được bao nhiêu VĐV lên tuyển. Vì thế, ít khi họ vượt được suy nghĩ rằng phải có một ban huấn luyện mạnh và đầy đủ con người nhất thì bất kể tuyển thủ nào khi lên tập trung cũng sẽ được tập luyện tạo bứt phá tốt nhất.
MINH CHIẾN
Nam và nữ cùng ra quân
Chiều tối nay 8-10, cả 2 đội tuyển bóng chuyền quốc gia nam lẫn nữ đều bước vào trận đấu đầu tiên ở các giải đấu quốc tế và đều có những mục tiêu theo đuổi riêng. Tại Thái Lan, 2 ngày sau khi tập làm quen sân tại Nhà thi đấu Nakhon Pathom, đội tuyển nam sẽ đấu trận đầu tiên gặp Myanmar ở chiến dịch chinh phục tấm vé duy nhất của khu vực Đông Nam Á để dự Vòng chung kết châu Á trong khuôn khổ vòng loại Giải Vô địch thế giới năm 2018.
Đông Nam Á chỉ có 3 đội tham dự (thi đấu vòng tròn tính điểm) và đều được đánh giá là những nền bóng chuyền mạnh nhất khu vực. Chính vì vậy, cuộc chiến giành vé đầy khó khăn. Chủ nhà Thái Lan đang giữ HCV SEA Games, Việt Nam có HCB và HCĐ thuộc về Myanmar.
Thầy trò HLV Phùng Công Hưng sẽ đấu với Myanmar vào lúc 18 giờ tối nay và nếu giành chiến thắng sẽ có thêm động lực trong trận đấu quyết định với Thái Lan vào ngày mai (9-10).
Hôm nay, đội tuyển nữ Việt Nam cũng ra quân trận đầu tiên ở VTV Cup 2016, gặp CLB Giang Tô (Trung Quốc) vào lúc 19 giờ 30 tại Nhà thi đấu tỉnh Hà Nam. Đánh giá cao các đối thủ dự giải lần này, nhưng một mặt HLV Thái Thanh Tùng cũng cho biết ông rất kỳ vọng các VĐV (với đa phần còn khá trẻ) sẽ thể hiện được tham vọng của mình. CLB Giang Tô là khách quen của bóng chuyền nữ Việt Nam nhiều năm qua, từng vô địch VTV Bình Điền Cup 2012, cũng được cho là lò đào tạo đáng nể của bóng chuyền Trung Quốc. Thành thử, họ sẽ bước vào trận đấu cùng đội tuyển Việt Nam với quyết tâm cao độ.
VIỆT HÙNG