Chốn giang hồ hiểm ác và những chiếc cúp bị mất oan

Chốn giang hồ hiểm ác và những chiếc cúp bị mất oan

1. Cách đây chưa tới 3 năm, vào tháng 5-2003, cũng trên mục này tôi viết một bài với nhan đề đầy kỳ vọng Khi tất cả những dòng sông đều chảy, nhằm ca ngợi cách làm bóng đá trẻ của Sông Lam Nghệ An: “Một đất nước chằng chịt sông ngòi như bán đảo Việt Nam, thật phi lý nếu chỉ có một Sông Lam. Mong lắm thay cùng với Sông Lam, có một ngày tất cả những dòng sông đều chảy!”.

Lúc đó, quả tình tôi xem Sông Lam Nghệ An là điểm sáng duy nhất trong chiến lược xây dựng lực lượng trẻ trong mặt bằng bóng đá Việt Nam: “Năm ngoái các cầu thủ còn ở độ tuổi U20 của họ như Văn Quyến, Huy Hoàng đã đứng trong đội hình đội tuyển quốc gia dự Tiger Cup 2002, sắp tới vinh dự đó hoàn toàn có thể xảy đến với Thế Anh, Lâm Tấn, Như Thuật... Chưa nói họ còn có Tân Thịnh, Thanh Thưởng, Thanh Hoàn, Quốc Vượng...”.

Trong những cái tên tôi kể, nay đã nhúng chàm hết bốn người và con số này chắc chắn chưa dừng lại. Chưa kể các bậc đàn anh như Hữu Thắng, Phi Hùng, Quang Trường, Sỹ Sơn... và các bậc cha chú (riêng HLV Nguyễn Thành Vinh đã ở T16) - nếu những thông tin trên báo chí những ngày qua được xác minh là đúng.

Chốn giang hồ hiểm ác và những chiếc cúp bị mất oan ảnh 1

Bao giờ đội SLNA đáp ứng được mong ước của người dân xứ Nghệ: “Đá trung thực cho dân tin. Đá tận tụy cho dân thương. Đá đẹp cho dân sướng. Đá thắng cho dân vui”?

Tôi đã từng nôn nóng “V-league có tới 12 đội tất cả, sao chỉ mình Sông Lam? Nếu 11 đội còn lại đều có chiến lược phát triển bóng đá trẻ như Sông Lam thì chúng ta sẽ có đến 12 Văn Quyến, 12 Lâm Tấn, 12 Huy Hoàng, 12 Thế Anh, 12 Như Thuật - nhân tài đâu đến nỗi như lá mùa thu. Các ông Weigang, Calisto, Murphy, Dido, Nguyễn Thành Vinh tha hồ mà chọn lựa, mà lên đấu pháp, mà cách tân chiến thuật.

Và ông Riedl nếu quay lại Việt Nam sẽ có dịp cười hể hả “Xây nhà phải như thế chứ!”. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười: Nếu Việt Nam mà có 12 Văn Quyến, 12 Quốc Vượng, 12 Thế Anh, 12 Huy Hoàng thì ngôi nhà bóng đá quốc gia hổng biết hình thù sẽ ra sao và nụ cười của ông Riedl, nếu có, chắc là nụ cười méo xẹo.

Nhưng ngay thời điểm đó, trong khi hết lời tán dương, tôi vẫn bắt gặp nơi mình tâm trạng âu lo: “Chỉ mong sao các tài năng trẻ của Sông Lam sẽ tiếp tục phát triển trong bầu khí quyển lành mạnh để khỏi phải thui chột trước khi kịp tỏa sáng rực rỡ”. Đó là cái lo lắng tự nhiên của bất cứ ai lâu nay theo dõi bóng đá nước nhà. Bây giờ thì mọi thứ đã được phơi bày, nỗi lo lắng đã trở thành sự thực: Sông Lam Nghệ An - một tượng đài đã bị sụp đổ. Sụp đổ thảm hại. Lâu đài sau một đêm đã hóa thành ao chuôm - như trong chuyện cổ.

Nhưng không chỉ Sông Lam, dù ung nhọt ở Sông Lam là ghê gớm nhất. Trước đó, Ngân hàng Đông Á và Cần Thơ đã bị xử xuống hạng vì dính tới tiêu cực. Hiện nay, đội Hải Phòng đang bị cơ quan điều tra sờ gáy. Sắp tới có thể là Nam Định và Cảng Sài Gòn. Và chắc chắn sẽ còn nhiều đội nữa bị lôi ra ánh sáng: hiệu ứng đôminô vẫn chưa đi hết một vòng của nó. Bóng đá Việt Nam những năm đầu thập niên 80 hồn nhiên là thế, nay đã biến thành chốn “giang hồ hiểm ác”! Trách nhiệm thuộc về ai? Và cũng chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm!

2. Nhiều khi tôi cay đắng nghĩ: Nếu bóng đá Việt Nam hoàn toàn trong sạch, đội tuyển quốc gia thực sự thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, người hâm mộ đáng thương có thể không phải chờ đợi chiếc Cúp vàng Đông Nam Á lâu đến thế, mỏi mòn đến thế - mà vẫn không thỏa nguyện.

Nếu nghi án về bán độ trong trận chung kết Tiger Cup 1998 giữa Việt Nam - Singapore và trong trận bán kết SEA Games 22 giữa Việt Nam - Malaysia cuối cùng được xác minh là có thật, thì cùng với vụ bán độ của hơn phân nửa đội hình tuyển U 23 tại SEA Games 23 vừa rồi, chúng ta đã thực sự từ chối đến ba cơ hội đoạt cúp Vàng.

Bán độ, dù là “bán thắng”, cũng là sự thoái hóa đạo đức và bôi bẩn nghề nghiệp, đi ngược lại tinh thần trung thực trong thể thao nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Về mặt chuyên môn, khi “đóng kịch” trên sân, các cầu thủ đã tự tước lấy tinh thần thi đấu (không chỉ riêng trong trận đó) và làm hạn chế những kỹ năng chuyên môn của chính mình. Ở nước ngoài, cỡ như Owen mà nếu ngồi dự bị thường xuyên ở câu lạc bộ, nguy cơ bị loại khỏi đội tuyển quốc gia là rất cao. Nói chung, đối với các cầu thủ, kể cả các siêu sao, nỗi sợ lớn nhất là không được ra sân. Vì nếu không thi đấu thường xuyên, phong độ sẽ sút giảm, cảm giác với bóng sẽ mất đi, thể lực và kỹ thuật sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tương tự, một khi các cầu thủ chủ chốt của tuyển U 23 Việt Nam cố tình “đá giả” trong trận bán kết (ở SEA Games 22 lẫn 23) thì khi vào chung kết, nếu có muốn đá thật thì họ cũng không thể “nóng máy” được - chưa kể tâm lý đã lung lay, tinh thần đã rệu rã. Khi anh chiến đấu không vì lý tưởng, không vì mục tiêu cống hiến, cơ thể của chính anh đương nhiên sẽ chống lại anh. Mà tinh thần đã bị chi phối thì các phẩm chất chuyên môn sẽ không thể phát huy. Đó là chưa kể sự nghi kỵ lẫn nhau trong tập thể sẽ làm giảm hưng phấn và sự ăn ýùcủa một đội hình. Không khó để nhận ra, trong tình cảnh đó đội tuyển của chúng ta đã thua ngay khi trận đấu chưa bắt đầu.

Chứ nói cho đúng ra, đội tuyển Việt Nam 1998 thừa sức thắng Singapore không có gì nổi bật. Tuyển U 23 năm 2002 nếu không dính tiêu cực trước và trong SEA Games, đội hình nguyên vẹn sẽ là bộ tứ Văn Trương - Huy Hoàng - Như Thành - Minh Phương ở dưới, Tài Em - Hữu Thắng - Quốc Vượng - Thanh Phương ở giữa, Văn Quyến - Thanh Bình ở trên: nếu đá hết mình, đội hình này có rất nhiều khả năng vô địch. Thậm chí, với tuyển U 23 vừa rồi ở SEA Games 23, hàng tiền vệ và tiền đạo của Việt Nam thuộc loại cực mạnh của giải: với Quốc Anh và Tấn Tài bùng nổ ở hai biên chưa bao giờ tuyển Việt Nam có hai chiếc phản lực cơ mạnh đều ở cánh như vậy. Nếu không vướng tiêu cực, nếu đội tuyển quyết tâm đá vì danh dự và vì nguyện vọng tột bậc của người hâm mộ nước nhà, chẳng biết điều gì sẽ xảy ra trong trận chung kết với Thái Lan.

Cách đây gần 600 năm, Nguyễn Trãi đã thấy nước Việt ta “hào kiệt thời nào cũng có”, ngày nay nếu sống dậy chắc cụ sẽ vuốt râu than “nhưng tiếc thay nhân tài bóng đá nước ta hôm nay sao mau sa ngã quá”. Ờ, nếu không, trong vòng 7 năm qua có lẽ Việt Nam đã ít nhất một lần vô địch Đông Nam Á chứ đâu có đến nỗi chờ hoài mà chẳng tăm hơi... 

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục