Chờ xem!

Chờ xem!

Sự ra đời của Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đang thổi một luồng gió mới vào đời sống bóng đá Việt Nam. Rất nhiều người đã thừa nhận, đó là quy luật tất yếu trong quá trình chuyên nghiệp hóa bóng đá nước nhà. Thế nhưng, phải khẳng định ngay rằng, mọi chuyện sẽ không dễ thay đổi chỉ trong tích tắc.

Ừ, thì nhiệt huyết đấy!

Theo lộ trình xây dựng nền bóng đá chuyên nghiệp của VFF thì đến năm 2013, tất cả các CLB ở V-League và hạng Nhất phải chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng doanh nghiệp hóa. Mà cũng chẳng cần đến thời hạn ấy, các đội bóng đều đã nhanh chân chuyển đổi mô hình hoạt động. Tính đến thời điểm này, trong số 28 CLB ở cả 2 giải đấu hàng đầu Việt Nam chỉ còn mỗi Lâm Đồng chưa thành lập công ty.

Chờ xem! ảnh 1

Người hâm mộ trông chờ một luồng gió mới từ Công ty VPF để nâng tầm bóng đá Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hùng

Trong khi các đội bóng nhanh chóng chuyển đổi mô hình hoạt động thì VFF vẫn chưa thoát khỏi cung cách quản lý, điều hành theo kiểu “bao cấp”. Sự trì trệ ấy của VFF đã làm nảy sinh không ít những bất cập trong quá trình quản lý, điều hành nền bóng đá nước nhà. Nếu đánh giá một cách toàn diện, hầu như tất cả những việc mà VFF đã làm, không ít thì nhiều đều bộc lộ những hạn chế, từ công tác đào tạo trẻ, quản lý các đội tuyển, chuyện tuyển HLV ngoại… đặc biệt là mảng điều hành các giải đấu trong nước.

Những yếu kém của VFF đã khiến cho các đội bóng không ít lần phản ứng và đến trước mùa giải 2012, các ông bầu đã thực sự nổi giận, đứng lên làm “cách mạng”. Được sự hậu thuẫn từ giới truyền thông, các đội bóng và đông đảo người hâm mộ, các ông bầu nhanh chóng chiếm thế thượng phong để rồi VPF ra đời nhằm thay VFF điều hành các giải đấu trong nước.

Các ông bầu - những nhân vật chủ chốt - lật đổ “sự thống trị” của VFF như bầu Kiên, bầu Đức, bầu Tiến Anh… đã thực sự làm mát lòng, mát dạ người hâm mộ bằng bầu nhiệt huyết của mình. Ông chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức, người chưa bao giờ chịu làm nhân vật số 2, đã nhanh chóng chấp nhận ngồi ghế Phó Chủ tịch HĐQT ở VPF. Bầu Kiên, bầu Thắng, dù bận trăm công ngàn việc vẫn cố gắng thu xếp thời gian để lo việc ở VPF. Tất cả những ví dụ ấy đều cho thấy, các ông bầu này thật sự tâm huyết với bóng đá Việt Nam, muốn góp sức mình để làm thay đổi diện mạo nền bóng đá nước nhà. Đấy chính là điểm sáng nhất mà các ông bầu đã tạo nên kể từ khi xây dựng ý tưởng cho đến lúc VPF được hình thành. Thế nhưng, chỉ trông chờ vào nhiệt huyết của các ông bầu thôi thì e rằng chưa đủ để thay đổi nền bóng đá Việt Nam!

Đừng làm cách mạng nửa vời

Ngay từ khi mới hình thành ý tưởng thành lập một doanh nghiệp đặc thù để thay VFF tổ chức các giải đấu quốc nội, các ông bầu đã “vẽ” ra khá nhiều viễn cảnh vô cùng xán lạn. Chuyện bản quyền truyền hình, vốn đã bị VFF bán trọn cho AVG từ mùa năm ngoái, bị hồi tố, chuyện 1 ông bầu sở hữu nhiều đội bóng cũng được đưa ra mổ xẻ, chuyện giám sát, trọng tài cũng được đề cập, v.v… và v.v…

Thế nhưng cho đến thời điểm này, mọi thứ vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Nói về chuyện bản quyền truyền hình, VPF vừa mới lên tiếng đòi thương thảo lại bản hợp đồng giữa VFF và AVG thì ngay tại trận Siêu cúp mới đây, tranh cãi đã nổ ra giữa VTV và AVG mà phần thắng chẳng thuộc về ai. Cuối cùng, giải pháp dung hòa được đưa ra là cả 2 đài đều được truyền hình trực tiếp. Đến chuyện 1 ông bầu sở hữu nhiều đội bóng, dù bầu Kiên đã không ít lần công khai phản ứng, chỉ trích nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa thể ngăn chặn được.

Thay vào đó, VPF đánh bài lùi với quyết định chỉ siết chặt vấn đề này ở mùa giải 2013. Ngay như chuyện ngăn chặn tiêu cực trong đội ngũ giám sát, trọng tài, động thái mới nhất của VPF là nâng chế độ, tăng tiền làm nhiệm vụ, nhắc nhở nền nếp sinh hoạt của các trọng tài và mời cơ quan công an nói chuyện với lực lượng này. Thế nhưng, các biện pháp ấy liệu có ngăn chặn được tiêu cực hay không thì chả ai, kể cả lãnh đạo VPF, dám khẳng định.

Các ông bầu, vốn là những người đứng đầu các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu Việt Nam. Năng lực quản lý, điều hành, kinh doanh của họ là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, bóng đá lại là một lĩnh vực hoàn toàn khác. Chính ông Lê Tiến Anh, Chủ tịch CLB K.Khánh Hòa từng thừa nhận, điều hành hàng chục doanh nghiệp với vài ngàn công nhân cũng không đau đầu bằng quản lý vài chục con người ở đội bóng.

Là Chủ tịch CLB, ông Tiến Anh có đầy đủ “quyền sinh, quyền sát” trong tay mà còn đau đầu với đội bóng của mình thì thử hỏi, khi điều hành cả V-League, Cúp Quốc gia, giải hạng Nhất theo mô hình công ty cổ phần, các ông bầu sẽ còn khó khăn đến mức nào? Đấy là chưa kể, dù các CLB hầu hết đã chuyển đổi mô hình thành doanh nghiệp nhưng trên thực tế, hoạt động của họ chưa thể gọi là chuyên nghiệp được.

Vẫn biết, xã hội luôn thay đổi, vận động và sự ra đời của VPF là tất yếu của quá trình chuyên nghiệp hóa bóng đá nước nhà. Các ông bầu, đã, đang và sẽ nhận được sự ủng hộ của tất cả mọi người nhưng để thay đổi diện mạo của cả nền bóng đá, đòi hỏi phải có sự kiên trì, nỗ lực, thậm chí phải hy sinh quyền lợi cá nhân, hy sinh quyền lợi đội bóng của mình. Có như vậy mới mong VPF làm nên nghiệp lớn chứ nếu không, có khi chỉ là cuộc cách mạng… nửa vời. Hãy chờ xem!

HẢI NAM

Tin cùng chuyên mục

Bóng đá quốc tế

Liverpool bắt đầu tái thiết bằng Mac Allister từ Brighton

HLV Jurgen Klopp đã chào đón tân binh đầu tiên là tiền vệ Alexis Mac Allister từ Brighton, đây là cầu thủ mang đẳng cấp nhà vô địch thế giới và phù hợp với những đòi hỏi cao từ Liverpool. Tất nhiên, đây chưa phải là ngôi sao duy nhất trong nỗ lực làm mới khu trung tuyến ở sân Anfield.