
Có quá nhiều thay đổi ở Ban tư vấn đạo đức so với ý tưởng thành lập. Tóm lại, là theo chiều hướng thất vọng và có lẽ, dù không muốn cũng phải đặt câu hỏi: Ban tư vấn đạo đức đóng vai trò gì?
Nếu chúng tôi nhớ không lầm, một trong những lý do cơ bản nhất để Ban đạo đức hình thành cũng như tạo nên sự khác biệt so với những bộ phận hỗ trợ pháp lý khác đã có sẵn của VFF, đó là đánh giá về những biểu hiện tiêu cực ở các trận đấu, mối quan hệ giữa các CLB. Ý tưởng Ban đạo đức hình thành từ việc “một bầu, nhiều đội bóng” cũng như các dạng liên minh điểm số vốn được xem là “không phải bán độ nhưng vẫn là tiêu cực” của bóng đá Việt Nam.
Vì điều cốt lõi ấy, ban đầu Ban đạo đức được cho là phải có những nhân vật mang tính trung lập ngoài xã hội tham gia và những người này phải có vị trí xã hội nhất định, đủ tầm vóc cũng như tiếng nói để có thể đánh giá về các CLB vốn thuộc quyền sở hữu của những ông bầu nhiều quyền lực.
Rốt cuộc, đại đa số thành viên của Ban tư vấn đạo đức vừa ra mắt hôm qua là đại diện của giới truyền thông và quan trọng hơn, chỉ có một thành viên được xem là chuyên gia bóng đá thực sự, đủ năng lực để nhìn xem trận nào đá giả, trận nào đá thật.

Các thành viên Bộ nhận diện thương hiệu và Ban tư vấn đạo đức trong buổi lễ ra mắt. Ảnh: Dũng Phương
o 0 o
Chuyện có đa số thành viên từ giới truyền thông có lý do của nó. Bởi từ trước đến nay, đa số những biểu hiện tiêu cực vẫn do giới truyền thông phát hiện, ghi nhận và được xem là “chứng cứ cơ bản và duy nhất” để các BTC cũng như VFF xem xét trước khi tiến hành điều tra.
Nhưng cũng vì vậy mới ngạc nhiên bởi đã có sẵn truyền thông làm nhiệm vụ ấy rồi thì việc gì Ban tư vấn đạo đức lại có thêm đại diện của giới này làm gì? Không lẽ chỉ để tổng hợp thông tin báo chí sao? Liệu có mâu thuẫn quan điểm không giữa việc phản ảnh trên báo và cách thức tư vấn, tham mưu của Ban tư vấn đạo đức?
Xét trên thành phần của các thành viên, cũng có nhiều điều không ổn bởi có 2 thành viên lại đã và sẽ là những người đứng đầu giải bóng đá U21, một sân chơi không thể nói là không bao giờ có tiêu cực hoặc những vấn đề đạo đức thì liệu có mang tính trung lập được không. Đấy là chưa nói, phân nửa số thành viên của Ban tư vấn đạo đức có thể sẽ không có điều kiện quan sát và nắm bắt toàn bộ diễn biến của các giải đấu do vấn đề tuổi tác cũng như công việc.
o 0 o
Như vậy, sự ra đời của Ban tư vấn đạo đức có khả năng dẫn đến sự chồng chéo công việc một cách không cần thiết nhưng lại thiếu đi vai trò giám sát tư cách các CLB như lý do ban đầu để nó hình thành. Như đã biết, mới đây, một cơ quan truyền thông cũng đã đóng góp cho quá trình phát triển đạo đức của bóng đá Việt bằng giải thưởng Fair-play, nghĩa là về cơ bản, giới truyền thông đã và đang làm tốt công việc của mình, phần còn lại, lẽ ra thuộc về các thành phần xã hội khác đang tham gia vào bóng đá Việt Nam.
Quan trọng hơn, bản chất của việc suy thoái đạo đức và nẩy sinh tiêu cực của bóng đá Việt Nam bắt nguồn từ nội tại (CLB, cầu thủ, ông bầu…) hơn là do tác động bên ngoài. Nếu các thành phần quan trọng ấy không chủ động phòng ngừa tiêu cực và nâng cao đạo đức của mình thì có thêm Ban tư vấn đạo đức nữa cũng trở nên thừa.
Hồ Việt