> Ngành thể thao sẽ tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam
Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (gọi tắt là Chiến lược) do Bộ VH-TT-DL chủ trì và thực hiện tổ chức ngày 12-11 tại Hà Nội.
Việc Hội nghị thu hút đại diện tham dự là lãnh đạo quản lý thể thao các đơn vị trong cả nước cùng đại diện nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao các môn, doanh nghiệp làm về lĩnh vực thể thao và các chuyên gia, nhà quản lý đầu ngành của thể thao và nhiều lĩnh vực khác, đại diện các Bộ, ban ngành đã cho thấy tầm quan trọng và sự tập trung vào các nhóm nội dung để ngành thể thao triển khai hiệu quả nhất Chiến lược đã được đề ra.
Ngay khi Chiến lược được xây dựng và ban hành, ngành thể thao đã xây dựng khoảng 85 Kế hoạch đối với từng nhóm nội dung trọng điểm để bắt tay vào thực hiện trong Công tác chỉ đạo, điều hành và thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực thể thao; Xây dựng, triển khai cơ chế chính sách, pháp luật về TDTT; Công tác phát triển TDTT quần chúng; Công tác phát riển giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học; Công tác phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang; Phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; Hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về TDTT; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, y học thể thao; Tăng cường nguồn lực và cơ sở vật chất kỹ thuật thể thao; Phát triển kinh tế thể thao; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TDTT và năng lực hoạt động của các tổ chức xã hội về TDTT.
Chia sẻ tại Hội nghị, Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt cho biết các nhiệm vụ được Chiến lược đề ra đã có nội dung cụ thể, đồng thời Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới cũng chỉ ra nhiều nhiệm vụ trọng điểm. Vì vậy, cơ quan quản lý thể thao có rất nhiều công việc phải thực hiện và nhiều nội dung triển khai.
Trong Hội nghị lần này, ghi nhận thực tế, các ý kiến từ chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý địa phương trong lĩnh vực thể thao đều có góc nhìn của mình. Trên hết, các ý kiến hướng tới điểm tựu chung là thể thao Việt Nam phải nâng được tầm hơn nữa, có các cách thức thực hiện để thành công như mục tiêu, phạm vi và chức năng, nhiệm vụ được Chiến lược đề ra.
Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL chỉ ra rằng, việc hành động và thực hiện hiệu quả Chiến lược vẫn là vấn đề cốt lõi. “trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, đề nghị các cấp, các ngành và địa phương, đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện từ đó đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược. Đồng thời, Tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Chiến lược và bảo đảm Chiến lược được triển khai trong thực tế, phát huy tối đa nguồn lực thực hiện...”, một trong những ý kiến kết luận của Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương tại Hội nghị lần này.
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1189/QĐ-TTg (ngày 15-10-2024) phê duyệt Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Trong đó, ngoài Quan điểm được ghi rõ, Chiến lược đề ra nhóm Mục tiêu chung và Mục tiêu cụ thể (6 nhiệm vụ), Định hướng tới năm 2045 (5 nhiệm vụ).
Kinh tế thể thao là 1 trong những nội dung đã có tại Chiến lược. Trong Hội nghị lần này, vấn đề Kinh tế thể thao được trao đổi và ghi nhận nhiều ý kiến thiết thực.
Cục TDTT được giao nhiệm vụ tổng hợp các ý kiến, góp ý tại Hội nghị lần này sau đó hoàn thiện Kế hoạch của Bộ VH-TT-DL về triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.