Chiếc ghế có mấy chân?

Ngày càng không chuyên nghiệp?
Chiếc ghế có mấy chân?

HLV Đặng Trần Chỉnh có một câu nói nổi tiếng: “Ghế HLV có 4 chân nhưng cầu thủ đã giữ hết 3”, ngầm nói về sự khó khăn của nghề HLV bóng đá. Thế nhưng, có vẻ như chính những người làm nghề này đang lạm dụng nó một cách quá đáng.

HLV Mai Đức Chung (trái) và HLV Đặng Trần Chỉnh (phải) khi còn làm việc chung tại đội Bình Dương. Ảnh: H.H.

HLV Mai Đức Chung (trái) và HLV Đặng Trần Chỉnh (phải) khi còn làm việc chung tại đội Bình Dương. Ảnh: H.H.

Ngày càng không chuyên nghiệp?

Kể từ sau câu nói của ông Đặng Trần Chỉnh, HLV Việt Nam tự nhiên mắc căn bệnh “đổ thừa”. Ngay mùa giải này, chỉ mới đến vòng 9 mà đã có hàng loạt HLV mất việc và cũng gần như ngay lập tức, họ giải thích rằng mình chỉ là “nạn nhân”. Ông Nguyễn Văn Thịnh rời khỏi Tiền Giang rồi tuyên bố mình bị “đá” vì cầu thủ bán độ không chịu chơi bóng. Ông Mai Đức Chung đi khỏi Bình Dương nhưng lại cho rằng “chỉ đến giúp Bình Dương nên khi họ không cần thì nghỉ”, rồi sau đó, ông tuyên bố “ngưng hợp đồng với Hải Phòng vì không muốn làm mất việc người bạn Vương Tiến Dũng”. Cũng nhờ kênh báo chí, ông Lê Thụy Hải than thở ở The Vissai Ninh Bình, ông không có lực lượng tốt nhưng lại nói “làm gì có chuyện tôi rời Ninh Bình, tôi đâu phải kẻ bỏ chạy”.

Nhiều năm trở lại đây, các HLV Việt Nam khi bị sa thải thường được dư luận thông cảm bởi những gì mà các ông giãi bày với báo chí. Theo cách các ông nói, việc bị sa thải hay kết quả không tốt của đội nhà không phải do tài năng kém cỏi của các ông. Nghề HLV từ trước đến nay chẳng bao giờ là công việc dễ dàng. Trên thế giới, HLV bị sa thải như “cơm bữa” mà có thấy ai than thở gì đâu. Ở Ý hay Anh, mỗi mùa giải có đến hơn chục HLV mất việc, rồi lại có việc làm. Hơn ai hết, chính các HLV phải là người chuyên nghiệp đầu tiên. Làm tốt, họ là người được ghi nhận công lao đầu tiên. Kết quả thi đấu tệ hại, đương nhiên họ bị sa thải. Quy luật là thế.

Còn nhớ, ở thời bao cấp, HLV có vẻ chuyên nghiệp hơn. Cái hay là họ đều toàn tâm với công việc dù hồi đó, nghề HLV đã được nhìn nhận là “bạc bẽo”. Rất nhiều HLV thành danh ngày ấy cũng đâu có chiến tích lớn lao gì nhưng vẫn được giới chuyên môn công nhận tài năng như ông Trần Văn Phúc, Lê Thụy Hải, Nguyễn Văn Vinh…

Chiếc ghế có mấy chân?

Thực tế không đúng như ông Đặng Trần Chỉnh nói. Đúng là chiếc ghế của HLV có sự lệ thuộc nhất định vào cầu thủ nhưng trong bóng đá chuyên nghiệp, HLV có rất nhiều quyền hạn. Họ có quyền quyết định về nhân sự, quyền xếp đội hình ra sân và được các lãnh đạo đội bóng tin tưởng đầu tiên. Cầu thủ dù có muốn phá đến mấy thì cũng không đến mức giữ hết 3 chân của chiếc ghế.

Hãy lấy ví dụ của HLV Calisto. Ông cũng như bao đồng nghiệp khác nhưng cái uy của ông đã giúp ông giữ chiếc ghế của mình, thậm chí cầu thủ nào cũng mong lọt vào mắt xanh của ông. Ông không những giữ đủ 4 chân chiếc ghế mà còn khiến cầu thủ phải cậy nhờ...

Rồi như Lê Huỳnh Đức tại SHB Đà Nẵng. Ở đội bóng này, ai cũng biết Đức có thực quyền và có tài. Từng là cầu thủ số 1 Việt Nam, Lê Huỳnh Đức được cầu thủ nể về tài năng đồng thời anh cũng “rành sáu câu” những chiêu thức của các học trò. Nhờ vậy, từ khi nắm đội SHB Đà Nẵng đến giờ, Lê Huỳnh Đức thiết lập được quyền lực và anh có thể kiểm soát được đội bóng.

Bóng đá chuyên nghiệp không có nhiều chỗ cho sự giải thích. Làm tốt, được khen, thất bại thì phải trả giá. Nếu những HLV yêu cầu học trò của mình phải chuyên nghiệp thì họ nên chuyên nghiệp trước chứ không thể khi thất thế lại “đổ thừa” cho cầu thủ.

Hơn ai hết, khi nhận việc, chính các HLV là người yêu cầu lãnh đạo CLB phải giao toàn quyền và họ là người chịu toàn bộ trách nhiệm…

Tâm Việt

Tin cùng chuyên mục